Một bệnh viện quốc tế tại Hà Nội cho biết nhu cầu kéo dài chân của người dân trong 10 năm trở lại đây tăng rất nhiều.
Bác sĩ Trần Chí Khôi tái khám cho một ca mổ kéo đều chân bị lệch đến 7cm - Ảnh: LÊ VÂN |
Có những bác sĩ chuyên khoa chấn thương - chỉnh hình cơ xương khớp Việt Nam hiện phẫu thuật hàng trăm ca kéo chân mỗi năm.
Mong bác sĩ cứu giúp cháu để cháu có thể tìm việc làm. Chứ lùn thế này thì ai mà nhận được. Cháu sợ đau lắm, nói mãi mới chịu đi làm đấy.
Một bà mẹ có con gái cao 1,43m ở Hà Nội nhắn bác sĩ Lê Văn Đoàn.
Nhiều nhu cầu kéo dài chân
Để thực hiện được ca phẫu thuật này, điều kiện cần và đủ hiện nay là các bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa chấn thương - chỉnh hình cơ xương khớp.
Và việc thực hiện phẫu thuật phải được làm tại một cơ sở y tế được cấp phép từ Bộ Y tế hoặc sở y tế các địa phương.
Chúng tôi ghi nhận, hằng ngày êkip của bác sĩ Lê Văn Đoàn (viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội) tiếp nhận nhiều yêu cầu tham vấn về thực hiện kéo dài chân thẩm mỹ.
Trong những ngày đầu tháng 10 này, chỉ riêng ngày 3-10, êkip của bác sĩ Đoàn đang thực hiện 4 ca tháo, lắp khung cho những người đi kéo dài chân.
"Nhiều người nhắn tin, tham vấn với bác sĩ thường xuyên trước khi đi kéo dài chân. Hầu hết họ đều mong muốn được tăng chiều cao và an toàn khi thực hiện mổ. Đó là nhu cầu chính đáng của họ. Vì vậy, chúng tôi mong rằng những người muốn kéo dài chân tiếp cận gần hơn với thông tin chính xác từ những bác sĩ chuyên khoa uy tín từng làm kỹ thuật chỉnh hình này" - bác sĩ Lê Văn Đoàn chia sẻ.
Theo tìm hiểu, so với một số phẫu thuật thẩm mỹ khác thì kéo dài chân có mức giá cao hơn. Người kéo chân phải trải qua hai lần nằm viện, một lần đặt khung, một lần tháo khung cố định bên ngoài.
Tỉ lệ đi kéo chân thường nghiêng về phái nam hơn nữ, trong đó cũng có rất nhiều ca chỉnh hình đều chân do dị tật chân thấp cao hoặc chiều cao trên dưới 1,5m ở nữ, trên dưới 1,6m ở nam.
Theo chia sẻ từ bác sĩ Đoàn, hằng năm ông và êkip thực hiện hàng trăm ca kéo chân cả trong và ngoài nước. Nhiều khách từ nước ngoài tìm đến Việt Nam thuê các bác sĩ kéo chân với "giá Việt" thay vì giá cao ngất ở nước khác.
Được biết, chi phí mổ kéo chân ở nước ngoài có thể dao động từ 800 triệu đến 2 tỉ đồng/ca, chưa kể chi phí lưu trú ở nước đó trong thời gian hậu phẫu khoảng 2-3 tháng. Trong khi ở Việt Nam chỉ rơi vào khoảng gần 200 triệu đồng, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật này.
"Cách đây vài năm, tôi mổ kéo chân cho một diễn viên ở Hong Kong, sau này cô ấy nói khi đi tái khám ở Hong Kong, các bác sĩ bên đó rất ngạc nhiên vì bác sĩ Việt Nam có thể làm được kỹ thuật này. Thực tế cũng có nhiều người chưa biết về các bác sĩ Việt đã thực hiện chỉnh hình này từ nhiều năm trước nên tìm ra nước ngoài đi làm chân" - bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa chi dưới, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chia sẻ.
"Hiện đã có dụng cụ mới để thực hiện ca phẫu thuật kéo dài chân cho người có nhu cầu. Đó là đinh nội tủy có "remote control" điều khiển sự tăng giảm chiều dài. Ưu điểm là bệnh nhân không phải mang khung cố định ngoài nữa, thuận tiện cho việc tập đi lại sau mổ.
Nhược điểm là đắt tiền, kỹ thuật khó, đường kính xương người kéo chân phải lớn thì mới đặt dụng cụ này được. Cây đinh kéo chân này có giá không hề rẻ, khoảng 50.000 - 100.000 USD/cây cho mỗi ca kéo chân, chưa kể các chi phí khác. Ở các nước châu Âu và Mỹ thì hay dùng loại dụng cụ này" - bác sĩ Khôi cho biết.
Êkip bác sĩ Đoàn đang thực hiện mổ kéo dài chân - Ảnh: MAI THƯƠNG |
Có nên mở bệnh viện chuyên kéo dài chân?
Việc thực hiện kéo dài chân trong thực tế đã có hàng nghìn ca. Tuy nhiên, hiện chỉ có các chuyên khoa chấn thương - chỉnh hình cơ xương khớp của các bệnh viện được cấp phép mới có thể thực hiện kỹ thuật này.
"Có quá nhiều rào cản vì để làm một ca kéo chân như vậy mất thời gian từ 3-4 tháng. Nếu bác sĩ không chuyên khoa sâu và không dành thời gian theo dõi bệnh nhân thì dễ xảy ra biến chứng. Còn nếu theo dõi thì phải có thời gian và các điều kiện khác chúng tôi mới mạnh dạn làm được. Vì vậy nên có những trung tâm y tế chuyên làm dịch vụ chỉnh hình này để cả bác sĩ và người dân có thể tham khảo trước khi muốn thực hiện" - bác sĩ Nguyễn Cao Viễn, khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết.
Thực tế, việc chỉnh hình kéo dài chân đã được thực hiện ở các khoa chấn thương - chỉnh hình của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa từ nhiều năm nay như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội...
"Y văn thế giới đã có những hướng dẫn về kéo dài chân trong các báo cáo về mảng nghiên cứu chỉnh hình. Kỹ thuật này nằm trong chuyên khoa chỉnh hình nhiều hơn là thẩm mỹ. Mặt khác, đây là nhu cầu của con người, chúng ta không thể ngăn cản họ được.
Nếu ngăn cản vô tình lại đẩy người đó vào những địa chỉ y tế không đủ điều kiện, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe. Nhất là sau khi phẫu thuật là cả quá trình trị liệu quan trọng của bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ chuyên khoa theo dõi tiến trình lành xương, do đó nếu có bệnh viện thẩm mỹ làm được chức năng này thì sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân một cách an toàn và đầy đủ hơn" - bác sĩ Trần Chí Khôi chia sẻ.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn cũng cho biết: "Nếu có một nơi có đầy đủ yếu tố cần và đủ theo luật như bác sĩ có chuyên khoa sâu, chứng chỉ hành nghề, bệnh viện được cấp phép thì quá tốt cho những người có nhu cầu. Bởi lẽ với chi phí kéo chân như hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với các bệnh viện ở nước khác trong việc ứng dụng kỹ thuật kéo chân chỉnh hình".
"Trước mắt, khi chưa có các quy định cụ thể, nên có những website cũng như các trung tâm chuyên kéo dài chi được phụ trách bởi các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình nhằm mục đích giải quyết nhu cầu cải thiện chiều cao của những ai muốn tìm hiểu về vấn đề này. Khi đó mọi người không phải ra nước ngoài trong khi nền y khoa trong nước hoàn toàn đủ năng lực" - bác sĩ Khôi cho hay.
Hiện nay, ở Hà Nội có website "keodaichan.vn" do bác sĩ Lê Văn Đoàn và cộng sự ở Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lập ra. Đây là một kênh thông tin tổng hợp các kiến thức cần biết cho người muốn kéo chân tìm hiểu thông qua các ca phẫu thuật đã thực hiện của bác sĩ Đoàn và cộng sự.
Trong khi đó, một bác sĩ (không muốn nêu tên) trong lĩnh vực cơ xương khớp tại TP.HCM thì chia sẻ: "Thực tế qua việc kéo chân thẩm mỹ cho nhiều người, tôi nhận ra đây là một vấn đề nằm ở tâm lý chứ không phải bệnh lý của người bệnh. Vì vậy, khi có người muốn đến kéo chân vì muốn cao hơn, nghĩa là từ người lành lại đi thực hiện một phẫu thuật khó và chuyên sâu như chỉnh hình xương, thì tôi thường từ chối".
Vị bác sĩ này nói rõ thêm: "Cá nhân tôi không muốn lập một bệnh viện thẩm mỹ về kéo chân, vì nếu thương mại hóa kỹ thuật này như các hoạt động thẩm mỹ khác, vô tình sẽ kéo theo việc nhiều người tò mò và đua nhau đi kéo chân dài thì không hay. Vì việc làm này như tôi đã nói, luôn có mặt tích cực là giải quyết tâm lý cho người bệnh nhưng có khá nhiều biến chứng mà không phải ai cũng hiểu để làm đại trà".
LÊ VÂN (TTO)