Báo xuân

Đi tìm một địa danh huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Đinh Kriu (60 tuổi)-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chơ Long, huyện Kông  Chro tình nguyện dẫn chúng tôi đến con dốc huyền thoại. Vừa đi ông vừa kể: Trước đây, người ta gọi dốc là Hle. Cái tên này giờ chỉ những người già mới còn nhớ. Họ kể rằng, có 3 cô giáo mang trong mình đầy nhiệt huyết và lý tưởng, đã lội bộ vượt hơn 60 cây số đường rừng núi từ thị xã An Khê vào đây dạy học. Tuy nhiên, khi đứng trước con dốc vừa cao lại dài, họ đã ôm nhau khóc nức nở. Sau đó, người ta đổi tên dốc Hle thành dốc Ba Cô để tưởng nhớ đến những giáo viên đầu tiên cõng chữ đến vùng đất này.

“Mình chỉ nhớ mang máng tên 2 cô là Lâm và Ghi. Năm vừa tròn 20 cái mùa rẫy mình mới lần đầu tiên được học cái chữ. Hồi đó, bà con mình đói lắm, cái bụng chưa no nên suốt ngày phải lên nương lên rẫy. Các giáo viên cũng lên nương làm chung với dân rồi dần dần mới vận động được bà con xuôi cái tai, cho con em ra lớp xóa mù. Tuy nhiên, các cô cũng chỉ ở đây được 2 năm rồi ra lại An Khê theo điều động của tổ chức. Từ đó đến nay, không còn ai nghe thông tin gì về các cô nữa. Tuy thời gian ở với bà con không lâu nhưng phải khẳng định rằng các cô đã đóng góp một phần công sức không nhỏ trong việc đặt nền móng giáo dục cho xã Chơ Long”-ông Đinh Kriu hồi tưởng về những người thầy đầu tiên.
 

Dốc Ba Cô ngày nay. Ảnh: N.L
Dốc Ba Cô ngày nay. Ảnh: N.L

Ngược về Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã An Khê, thầy Đặng Hước-Phó Trưởng phòng nói rằng có biết chuyện các cô Lâm và Ghi với nhiều kỷ niệm trong thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa. Sau một hồi trò chuyện thân mật, thầy đã mở danh bạ điện thoại, lần hỏi những người quen về địa chỉ 2 cô giáo Lâm và Ghi. Theo đó, nhà cô Vũ Thị Lâm (54 tuổi) nằm trên đường Tạ Quang Biểu (thị xã An Khê). Cô Lâm hiện vẫn đang dạy tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Chia tay thầy Hước, chúng tôi lại rong xe đến nhà người nữ giáo viên mà thâm tâm đinh ninh rằng đó là nhân vật trong câu chuyện huyền thoại.

Bên bộ salon cũ kỹ trong căn nhà ngăn nắp, cô Lâm với chất giọng vẫn đặc sệt Thanh Hóa, hồi tưởng lại. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp lớp 10, mặc cho gia đình ra sức ngăn cản, cô vẫn tình nguyện vào Tây Nguyên công tác dù chưa hề biết vùng đất này lành dữ thế nào. Theo cô, lúc ấy chỉ nghĩ đơn giản là ra đi theo lý tưởng chứ không cần biết là khổ hay sướng. Tháng 8-1978, cô Lâm và đồng nghiệp tên Ghi được cử vào Chơ Long dạy học. Hai cô giáo được thầy Hiệu trưởng lúc bấy giờ dẫn đường. Trên đường đi, họ đã phải chịu đói, chịu khát, phải ăn lá cây, củ rừng cầm hơi. Khi đến dốc Hle, đoàn người lúc này đã mệt lả mà con dốc thì còn quá cao, cây cối lại um tùm như che mờ phương hướng khiến đôi chân họ như muốn đầu hàng. Nhưng rồi, ý thức được nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên giao và nghĩ đến cảnh bà con đang cần mình, họ lại động viên nhau lê từng bước tiến lên phía trước.

“Con dốc Hle rất cao, cây cối lại um tùm, chỉ cần người đi trước cách chừng 2 mét thì người đi sau chẳng thấy gì. Ba thân thể rã rời vì đói khát phải vượt con dốc cao như thế để đến với bà con”-người giáo viên rưng rưng nhớ lại cái thuở đầy gian lao.

Đến được với buôn làng đã là một chiến thắng về nghị lực, nhưng tại nơi này, bao khó khăn mới liên tục hiện ra. Khó khăn lớn nhất với các giáo viên trẻ chính là rào cản về ngôn ngữ. Học sinh thì có người đến những 50 tuổi nhưng không biết nói tiếng Việt trong khi các cô thì cũng chưa từng học qua tiếng Bahnar.

Rồi chuyện bà con vẫn còn xem củ mì, củ khoai, cây lúa là quan trọng nhất, cái chữ là điều gì đó rất mơ hồ, chẳng làm no được cái bụng cũng là trở ngại không nhỏ. Do đó, dù các thầy cô có nói khản cổ, đến ngày mùa họ vẫn cứ rầm rộ kéo nhau lên rẫy. Khó khăn hơn nữa là để có cái ăn, các giáo viên cũng phải “lăn ra rẫy”.

“Những lúc lao động cùng bà con, giữa chúng tôi đã dần tìm được tiếng nói chung. Chúng tôi vừa dạy tiếng Việt cho đồng bào đồng thời cũng học lại ngôn ngữ của học sinh. Từ đó, bà con dần có thiện cảm, họ vận động con em đến tham gia lớp học nhiệt tình hơn. Hồi đó đói khổ nhưng ai cũng vô tư. Trường lúc đó chỉ có 2 chị em và 3 thầy giáo nữa; song tối đến, cả 5 anh chị em cùng ngủ chung trong một căn lều nằm bên bờ suối mà tâm ai cũng trong sáng. Rồi những cơn sốt rét rừng; tuổi trẻ lần đầu xa nhà, nhiều đêm ngủ trong nỗi nhớ quay quắt, nước mắt đầm đìa, nhưng vì nhiệm vụ và tình cảm chân thành của bà con đã khiến chúng tôi quyết tâm bám trụ với buôn làng”-cô giáo Lâm tự hào nhớ lại

Dạy học ở Chơ Long được 2 năm, cô Lâm và cô Ghi được tổ chức điều động ra lại An Khê. Đến năm 1985, cô Lâm lập gia đình với một quân nhân ở An Khê. Cô Ghi cũng đang sống tại thị xã An Khê, hiện giờ đã nghỉ hưu.

Cô giáo Lâm xác nhận mình và cô Ghi không phải là nhân vật của câu chuyện dốc Ba Cô mà là những đồng nghiệp đã đi tiên phong trước các cô nhiều năm. Tuy nhiên, ai là nhân vật chính của câu chuyện không còn quan trọng mà chính là lòng dân đã nhớ ơn đến những người đầu tiên cõng chữ lên ngàn đã làm cho Chơ Long heo hút ngày nào giờ đã thay da đổi thịt. Lời của ông Chủ tịch UBND xã Chơ Long Đinh Văn Phiêu là minh chứng sống động, rõ nét nhất: Từ nền tảng ấy, đến nay, thế hệ trẻ của xã đã không còn mù chữ; xã có 18 con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Cán bộ xã giờ cũng đã có nhiều người với trình độ từ cao đẳng trở lên. Từ 100% hộ nghèo bây giờ chỉ còn lại 28%, không còn nạn tảo hôn…”.

Còn nói như thầy Đặng Hước thì, đó là một sự hy sinh thầm lặng, bởi thời điểm đó đi dạy ở vùng sâu, vùng xa nguy hiểm vô cùng. Để nền giáo dục vùng sâu, vùng xa có được như ngày hôm nay là cả một sự thử thách đầy gian khổ.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm