Địa chỉ tin cậy của người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở hữu một đội ngũ y-bác sĩ tận tụy với nghề, gần đây lại tranh thủ được nguồn vốn ODA của Hàn Quốc để đưa gói thiết bị chất lượng cao về hoạt động, Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, Gia Lai đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người bệnh.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010, Bệnh viện đã khám cho 40.042 lượt bệnh nhân (đạt 57,2% kế hoạch năm); 2.564 bệnh nhân điều trị nội trú (đạt 70,4% kế hoạch năm); công suất giường bệnh 119,3%. Bên cạnh đó, công tác khám-chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện tốt, đúng theo quy định của Bảo hiểm Y tế.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku. Ảnh: T.B
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku. Ảnh: T.B
Bác sĩ Phạm Thanh Hưng- Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Những năm trước, Bệnh viện chỉ có 50 giường, sang năm 2010, để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Bệnh viện đã bổ sung thêm 20 giường nữa, tuy nhiên vẫn trong tình trạng quá tải. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị. Từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế thì bệnh nhân đến ngày một tăng… Bởi vậy, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện luôn phải làm việc hết mình, dù có vất vả.
Tại Khoa Ngoại, các y-bác sĩ ai nấy đều tất bật. Bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại cho biết: Lý do khiến chúng tôi nhiều việc ấy là được người bệnh tin tưởng. Cùng với việc được trang bị thiết bị hiện đại, chúng tôi cũng tập trung nâng cao trình độ, đặc biệt là nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân. Thời gian gần đây, những ca phẫu thuật phức tạp như nối da mặt, da đầu ngón tay, tái tạo ngón tay cái… chúng tôi đều thực hiện thành công. Mới đây, chúng tôi tiếp nhận và điều trị ca bị chấn thương bàn-cẳng tay phức tạp.
Bệnh nhân là ông Vũ Quang Hưng bị người khác đâm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng choáng với bàn tay bị thương, máu phụt thành vòi. Điều đặc biệt ở đây là tổn thương không chỉ dừng lại ở bàn tay. Trong lúc phẫu thuật, chúng tôi đã không bỏ sót tổn thương, thám sát và phát hiện trong đó có dấu ấn của đường dao và phát hiện tổn thương đứt gân kín đáo. Sau hơn 5 giờ, kíp mổ đã thực hiện được các phẫu thuật khó như: Kết hợp xương bàn 2; khâu nối mạch máu 2 nơi (động mạch quay và 1 động mạch ngón trỏ); khâu nối gân 2 nơi với 8 múi nối… Hiện nay, bệnh nhân đã phục hồi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Hưng thừa nhận: Tôi chịu ơn các y-bác sĩ Khoa Ngoại, đặc biệt là bác sĩ Thành, nếu không được cấp cứu kịp thời, chẩn đoán bệnh nhanh chóng, khi mổ phát hiện thêm tổn thương mới ở cẳng tay… thì có lẽ hôm nay, tôi đã mất bàn tay phải rồi…
Chị Hồ Thị Lý ở thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông-người đang điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện, sau khi kể cho tôi nghe những khó khăn, vất vả của đời mình, chị rưng rưng: “Gia đình tôi khó khăn là thế, lại bị căn bệnh hiểm nghèo này đeo bám, ngày trước, khi điều trị ở Bệnh viện Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, vì còn mất tiền thuê nhà ở, lại kèm thêm người chăm sóc. Nay, được nhận điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Pleiku, tuần mất có 2 buổi tới viện, chi phí giảm mà lại được các điều dưỡng và bác sĩ hướng dẫn tận tình, chu đáo, tôi rất vui. Chỉ tiếc rằng Bệnh viện mới chỉ được trang bị 2 máy chạy thận, giá như có nhiều hơn thì tốt biết bao, nhất là đối với những bệnh nhân cả đời phải điều trị thận như tôi…”.
Thái Bình

Có thể bạn quan tâm