Dịch sốt xuất huyết rình rập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước có hơn 8.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tại TPHCM và một số đô thị lớn, số người mắc bệnh này đang tăng rất mạnh. Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết

Ngày 14-3, số người đến khám, điều trị sốt xuất huyết (SXH) tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM khá đông. Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng Khoa Nhiễm A- BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết hiện số người mắc SXH vào viện tăng hơn tháng trước, chiếm 35% bệnh nhân các loại. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị 50 người mắc SXH, trong đó bệnh nhi nhiều hơn người lớn. Hiện BV có 85 bệnh nhân SXH điều trị nội trú, trong đó 3%-5% ở độ nặng.

Diễn biến bất thường
 
Theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, đa số bệnh nhân SXH đều cư ngụ tại TPHCM, nhiều nhất là quận 8, huyện Bình Chánh và các vùng lân cận. “Thông thường, mùa nóng mọi năm là thời điểm thấp nhất của đỉnh dịch SXH. Tuy nhiên, với số bệnh nhân nhập viện như hiện nay cho thấy có sự bất thường. Địa phương có môi trường không bảo đảm, nhiều ao tù nước đọng là nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc SXH cao”- bác sĩ Ngọc nhận xét.

Thăm khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thăm khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Tại BV Nhi Đồng 1- TPHCM, Khoa SXH luôn có hơn 30 bệnh nhi SXH nằm điều trị nội trú. Thạc sĩ- bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết hiện mỗi ngày, Khoa SXH tiếp nhận điều trị trung bình 10 trẻ mắc bệnh, trong đó có vài ca nặng. Tháng trước, bệnh nhi SXH phần lớn ở các tỉnh chuyển về nhưng gần đây, số trẻ bị bệnh này phần đông cư ngụ tại TPHCM.

 
Cách đây không lâu, BV Nhi Đồng 2- TPHCM đã cứu sống bé gái T.T.K.N (10 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) mắc SXH thể não, một căn bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm. Bé N. nhập viện trong tình trạng hôn mê, sốt cao, co giật nửa người, tri giác xấu, huyết áp thất thường. Theo các bác sĩ, biểu hiện này dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, rất khó phát hiện và nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ phải tiến hành nhiều chẩn đoán cận lâm sàng chuyên sâu, xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống... mới phát hiện bệnh của bé N.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thống kê trong tháng 2-2011 cho thấy toàn TP có 838 ca mắc SXH, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Điều bất thường là các quận nội thành như 1, 3… lại có số ca mắc SXH nhiều hơn ngoại thành.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 8.000 trường hợp mắc SXH. Tại thời điểm này, số người mắc SXH là 500 ca/tuần.

Nguy cơ bùng phát
 
Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nguy cơ dịch SXH sẽ bùng phát mạnh, số ca bệnh nặng gia tăng dẫn đến tình trạng quá tải cho các BV. Các chuyên gia y tế cho rằng thông thường, SXH giảm vào những tháng mùa khô nhưng hiện nay, người mắc bệnh này vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy công tác phòng chống còn hời hợt, chưa được chú trọng.
 
Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sở đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận- huyện rà soát lại các ổ dịch SXH trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời. Phường- xã nào có 3 ca SXH trở lên phải khoanh vùng dập dịch ngay.
 
Theo TS Nguyễn Văn Kính, người mắc SXH bị sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài... dẫn đến tiểu cầu giảm nhanh, sốc và có thể tử vong trong thời gian ngắn nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Năm 2010, cả nước có hơn 110.000 trường hợp SXH, trong đó gần 90 ca tử vong. So với năm 2009, năm 2010 số người mắc SXH và số tử vong đều tăng.
 
Các bác sĩ cho biết bệnh SXH vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Người đã bị SXH vẫn có khả năng mắc lại với phân tuýp virus khác. Tuy nhiên, dù SXH là bệnh nguy hiểm nhưng cũng rất dễ phòng ngừa. Điều mà các chuyên gia lo ngại là rất dễ nhầm lẫn giữa SXH và cúm A(H1N1). Vào những ngày đầu mắc bệnh, diễn biến lâm sàng SXH và cúm A(H1N1) rất khó phân biệt, phải đến ngày thứ 2-3 mới có biểu hiện rõ nét. Do đó, những người bị sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể cần được khám, phát hiện ngay từ tuyến cơ sở, tránh để bệnh nặng.
Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm