Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Dịch tả heo châu Phi lây lan tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi các huyện Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ đã cơ bản khống chế các ổ dịch tả heo châu Phi thì ở các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, dịch lại đang lây lan nhanh. Hiện tại, các địa phương đang căng sức phòng-chống dịch tả heo châu Phi nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng.
Dịch tả heo bao phủ khu vực Đông Nam tỉnh
Tính đến ngày 31-7, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 472 hộ gia đình ở 87 thôn, làng của 30 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã gồm: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa, Ia Grai, Ayun Pa. Trong số này có 10 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ đã qua hơn 30 ngày không phát sinh heo mắc bệnh hoặc chết. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay là khu vực Đông Nam tỉnh khi cả 4 huyện, thị xã đều xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Đặc biệt, dịch đang lây lan nhanh trên diện rộng tại 2 huyện Phú Thiện và Ia Pa. Tại huyện Phú Thiện, dịch đã lây lan ra 8/10 xã, thị trấn với tốc độ khá nhanh. Còn ở huyện Ia Pa, dịch đã xảy ra tại 5 xã. Ở huyện Krông Pa, dịch xuất hiện tại thị trấn Phú Túc và xã Chư Drăng. Riêng ở thị xã Ayun Pa, dịch xảy ra tại xã Chư Băh gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi heo.
Hố chôn heo bị dịch tả châu Phi ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện). Ảnh: N.D
Hố chôn heo bị dịch tả châu Phi ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Ảnh: N.D
Ông Phan Văn Quang (thôn Hải Hà, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) buồn bã nói: “Nhà tôi nuôi 6 con heo nái sinh sản. Vừa rồi phát hiện heo bỏ ăn, gia đình đã chủ động mua thuốc về phòng bệnh, đồng thời báo cho cơ quan thú y huyện và xã kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Dù thiệt hại kinh tế lên đến 60-70 triệu đồng nhưng tôi chấp hành tiêu hủy đàn heo theo đúng quy định của Nhà nước để tránh dịch lây lan trên diện rộng”.
Còn tại huyện Ia Pa, chỉ trong thời gian ngắn, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra 5 xã: Pờ Tó, Kim Tân, Chư Răng, Ia Broăi và Ia Ma Rơn. Ông Trần Văn Hiệp (thôn 2, xã Pờ Tó) lo lắng nói: “Cách đây vài ngày, đàn heo nái sinh sản 44 con và 2 heo đực giống của gia đình dù được bảo vệ rất nghiêm ngặt, hạn chế người lạ ra vào trại cũng như tiêu độc khử trùng thường xuyên nhưng khi lấy mẫu gửi đi xét nghiệm vẫn dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Toàn bộ đàn heo của gia đình đã phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế”. 
Quyết liệt dập dịch
Sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, chính quyền các địa phương cùng cơ quan chuyên môn đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để phòng-chống. Đến nay, ngoài các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời do UBND tỉnh thành lập trên tuyến quốc lộ 14 đoạn qua huyện Chư Pưh cùng 2 chốt cố định tại quốc lộ 19 và 25, các huyện, thị xã đã thành lập 31 chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời nhằm phòng-chống dịch không để lây lan trên diện rộng.
 Cán bộ Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Song An (thị xã An Khê) kiểm tra heo vận chuyển từ Bình Định lên các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: NGUYỄN DIỆP
Cán bộ Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Song An (thị xã An Khê) kiểm tra heo vận chuyển từ Bình Định lên các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: N.D
Ngày 3-8, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ  đã ký Quyết định số 1681/QĐ-UBND công bố dịch tả heo châu Phi tại phường An Bình. Theo đó, trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật cảm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi ra, vào vùng dịch.
Ngọc Minh

Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện-cho biết: “Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang lây lan tại các xã, thị trấn, huyện đã cấp 145 triệu đồng để mua hóa chất và trang-thiết bị phòng-chống dịch. Tuy nhiên, do dịch phát sinh cùng lúc ở nhiều xã, thị trấn nên công tác kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nuôi thả rông nên việc khoanh vùng, tách đàn để theo dõi cũng khó; người dân còn ỷ lại vào cơ quan chuyên môn”.
Còn ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho hay: Hiện nay, thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra tại 5 xã trên địa bàn huyện rất lớn, nặng nhất là 2 xã Pờ Tó và Chư Răng. Các xã đã thành lập chốt kiểm dịch lưu động để kiểm tra thường xuyên ở các vùng dịch và chưa bị dịch. Huyện đã cấp 100 lít hóa chất Benkocid và cấp cho mỗi xã 1 tấn vôi để chủ động phòng-chống dịch. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cấp thêm 300 lít hóa chất cho các xã để tiêu độc khử trùng. 
Ngoài các huyện, thị xã đã xuất hiện dịch, các địa phương còn lại trong tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch xâm nhiễm vào địa bàn gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho hay: Từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Bình Định, Trung tâm đã đề nghị UBND thị xã xuất ngân sách 176 triệu đồng mua 500 lít hóa chất và 35 tấn vôi, 2 bình phun, chưa kể các xã, phường cũng chủ động xuất ngân sách dự phòng tổ chức tiêu độc khử trùng thường xuyên tại các khu vực có nguy cơ cao. Thị xã cũng đã thành lập 1 chốt kiểm tra, kiểm soát tại tuyến đường từ Bình Định lên để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: “Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xảy ra tại các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã cấp thêm cho các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa mỗi địa phương 300 lít hóa chất Benkocid để tiêu độc khử trùng. Bên cạnh đó, Chi cục cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng-chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT”.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm