Thời sự - Bình luận

Điểm cao chưa hẳn là giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn, đạt điểm cao lĩnh vực đang học tập, nghiên cứu mà còn phải biết sống vì cộng đồng, thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, có những kỹ năng cần thiết để bước vào đời.

Nhằm hạn chế tình trạng sinh viên chỉ biết mỗi việc học, thiếu những kỹ năng cần thiết để ứng phó trước cuộc sống, có thái độ sống tích cực, hiện nay các trường ĐH thực hiện việc đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên (SV) theo quy định tại Thông tư 16 năm 2015 của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, có 5 tiêu chí đánh giá với tổng thang điểm là 100. Cụ thể, ý thức học tập 20 điểm; ý thức chấp hành quy định, nội quy, quy chế trong nhà trường 25 điểm; ý thức tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống các tệ nạn 20 điểm; phẩm chất công dân trong quan hệ với cộng đồng 25 điểm; ý thức và kết quả tham gia công tác phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc người học đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện 10 điểm.

Từ đó, SV xếp loại xuất sắc khi có số điểm từ 90 đến 100, loại tốt là từ 80 đến dưới 90 điểm, khá là từ 65 đến dưới 80 điểm, trung bình là từ 50 đến dưới 65 điểm, yếu là từ 35 đến dưới 50 điểm và kém là dưới 35 điểm.

Như vậy, điểm học tập chỉ chiếm 20/100 khi đánh giá xếp loại SV ở tất cả các mặt. Điều này sẽ giúp SV có ý thức phát triển toàn diện bản thân nhiều hơn. Qua việc tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao…, SV sẽ trưởng thành, có thêm các kỹ năng trong việc hoàn thiện bản thân. Đây còn là lợi ích kép khi SV không chỉ được đánh giá tốt, nhận học bổng, các hỗ trợ khác từ nhà trường mà sẽ là hành trang giúp SV tự tin hơn để sau này dễ dàng tiếp cận với công việc khi ra trường.

Thực tế cũng đã cho thấy không phải SV nào có kết quả học tập cao đều thành công trong công việc sau khi ra trường. Nhà tuyển dụng cần một nhân sự với nhiều phẩm chất khác bên cạnh điểm số. Đó là lý do trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khi trả lời băn khoăn của thí sinh về cơ hội việc làm sau khi ra trường, các chuyên gia thường cho lời khuyên rằng thái độ và khả năng thích nghi của người lao động là cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển và nhiều biến động như hiện nay.

Các trường ĐH đang tạo rất nhiều cơ hội để SV tham gia hoàn thiện bản thân bằng rất nhiều hoạt động, có trường số lượng sự kiện trong một năm lên tới hàng nghìn. Chính vì thế, không thể nêu ra lý do không tìm được hoạt động phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Tham gia các hoạt động để có điểm rèn luyện, đem lại những lợi ích cho bản thân và trước mắt là để không vi phạm quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là SV cần tránh thái độ cực đoan, tránh đăng ký tham gia quá nhiều, không định hướng rõ ràng ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập. Ngược lại, cũng đừng thờ ơ tham gia cho có để "hoàn thành định mức".

Nếu nghĩ rằng những năm tháng này sẽ là khoảng thời gian và cơ hội không dễ gì có được để được trui rèn, hoàn thiện bản thân thì khi ấy "điểm rèn luyện" sẽ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi SV.

Có thể bạn quan tâm