Kinh tế

Nông nghiệp

Điểm sáng trong xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 7,3 tỷ USD (tăng 5,1%).

 Thu hoạch thơm xuất khẩu tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh
Thu hoạch thơm xuất khẩu tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh


Chinh phục thị trường khó tính

6 tháng đầu năm, mặt hàng rau quả là điểm sáng khi xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản, gỗ chế biến, thì rau quả vẫn còn thua xa về kim ngạch, nhưng nếu so với tốc độ tăng trưởng thì đây là mặt hàng tăng ấn tượng với 33% so với cùng kỳ năm 2015 (trong khi mặt hàng thủy sản tăng 3,8%). Ngay như mặt hàng gỗ chế biến một thời gian dài có tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định thì 6 tháng đầu năm nay lại suy giảm, dù không nhiều, chỉ 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 692 triệu USD (5 tháng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tới 70% tổng lượng rau quả xuất khẩu). Nhưng điều tích cực là mặt hàng rau quả, nhất là mặt hàng trái cây tươi đã dần dần chinh phục thị trường khó tính. Xuất khẩu trái cây sang các thị trường này có chiều hướng tăng cao.

Lý giải điều này, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, mặt hàng trái cây tươi tăng nhanh là do vấn đề dịch bệnh được kiểm soát, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường mở rộng. Theo Cục BVTV, trái cây tươi đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Chile, Argentina, Brazil, do đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Nhưng để có được kết quả ngày hôm nay, Cục BVTV đã phải tìm hiểu, đàm phán và triển khai các yêu cầu về vùng nguyên liệu để cùng đối tác tháo gỡ các quy định về kỹ thuật, như vấn đề kiểm dịch thực vật cho các loại quả tươi phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài 5-10 năm, tùy từng loại sản phẩm; phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng nhận, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ hoặc hơi nước) từng lô hàng trước khi xuất khẩu…

 

Chờ giao hàng vải Lục Ngạn xuất khẩu
Chờ giao hàng vải Lục Ngạn xuất khẩu


10 loại trái cây tươi có thể xuất khẩu
 

Để trái vải vào được Mỹ hay lãnh thổ Đài Loan, quá trình đàm phán không dưới 4 năm. Nhật Bản là thị trường khó tính, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết phải mất 5-7 năm, trái thanh long ruột trắng mới vào được thị trường này và trái xoài mất khoảng 4 năm.

Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục đề nghị Nhật Bản sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa cho thanh long ruột đỏ, vải và cả nhãn. Một khi được thị trường này chấp nhận thì sẽ dễ dàng hơn khi vào các nước khác; như trái thanh long khi được vào Nhật Bản thì ngay sau đó mặt hàng này được Mỹ chấp nhận. Hiện nay, thị trường Mỹ đồng ý nhập 4 loại: nhãn, chôm chôm, thanh long, vải và đang tiến hành các bước cần thiết để tăng thêm 2 loại nữa là xoài và vú sữa.

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu trên 4.600 tấn trái cây tươi các loại (nhãn, chôm chôm, thanh long, vải, xoài, vú sữa…) vào các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, tăng 81% so với mức 2.542 tấn cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đến ngày 22-6, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu trên 32.200 tấn vải thiều, chiếm gần 25% tổng sản lượng vải thiều vụ năm nay của tỉnh. Năm 2015, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Pháp và Malaysia, năm nay tiếp cận thêm thị trường Ba Lan, khu vực Trung Đông. Để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều, tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan chức năng để quảng bá sản phẩm, cập nhật thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật thương mại ở những nước xuất khẩu, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp trong nước thực hiện một cách chủ động. Nhờ đó, vải thiều Bắc Giang đang vào thời điểm thu hoạch rộ, nhưng do chủ động thị trường nên vẫn bán được giá cao.

Như vậy, so với nhiều mặt hàng nông sản khác, bao gồm thủy sản và lâm sản, mặt hàng rau quả khá chậm trong xuất phát nhưng khi đã vào guồng lại có tốc độ bứt phá nhanh. Rau quả trở thành điểm sáng trong xuất khẩu so với các mặt hàng nông sản khác trong năm nay. Đó là nhận định của ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Còn nhiều dư địa cho sự tăng trưởng cả sản lượng và trị giá xuất khẩu rau quả ở những thị trường khó tính này, kể cả EU, Ấn Độ, Chile… Vì vậy, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, khoảng 10 loại trái cây tươi có tiềm năng và thế mạnh mà ngành Bảo vệ thực vật chọn tiên phong phải làm nhiệm vụ mở đường cho các loại trái cây khác.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm