(GLO)- Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế, huyện Krông Pa là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số bác sĩ công tác tại xã, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân vùng khó.
Xã Ia Mláh từ nay có bác sĩ
Các bác sĩ Kpă Híp và Ksor Muôn-cán bộ Trạm Y tế xã Ia Mláh tận tình chỉ dẫn cho người dân sử dụng thuốc chữa bệnh. Ảnh: Đức Phương |
Xã Ia Mláh, huyện Krông Pa có 716 hộ, trên 3.800 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Jrai, sinh sống ở 8 thôn, buôn. Trạm Y tế xã được xây dựng khá kiên cố, đầy đủ phòng khám, phòng bệnh nhân, phòng sinh, tủ thuốc với các trang-thiết bị y tế cần thiết, do 2 bác sĩ, 2 y sĩ, 4 điều dưỡng, 1 dược sĩ trung học và 1 nữ hộ sinh đảm nhiệm. Ia Mláh là một trong số xã vùng trọng điểm sốt rét của huyện Krông Pa. Nhiều năm trước, dịch sốt rét ác tính và người chết vì sốt rét đã ám ảnh đối với người dân địa phương. Vài năm trở lại đây, cùng với sự hiện diện của 2 bác sĩ biên chế của Trạm, tuy bệnh nhân sốt rét còn nhiều nhưng tất cả đã được chữa trị khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ Kpă Híp cho biết: Kế hoạch Trung tâm Y tế (TTYT) huyện giao mỗi tháng khám, cấp thuốc điều trị cho 120 lượt bệnh nhân, nhưng Trạm thực hiện từ 150 đến 200 lượt bệnh nhân. Trạm luôn chủ động nguồn thuốc, hàng tháng vừa trực tại Trạm vừa tổ chức xuống các thôn, buôn để khám-chữa bệnh cho người dân và tuyên truyền, vận động bà con dọn vệ sinh môi trường, phòng-chống bệnh tật. Đặc biệt, các chiến dịch tiêm chủng được triển khai kịp thời, đảm bảo 98% trẻ em trong độ tuổi được tiêm đủ liều, đúng thời gian quy định; số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm nhiều (còn 40,6%).
Theo y sĩ Rô Jin-Trạm trưởng, ngày trước, do đồng bào Jrai trong xã chưa nhận thức được lợi ích của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình nên nghe nói đến đặt vòng, phẫu thuật đình sản là ai nấy đều lảng tránh, còn bây giờ họ đã hiểu ra nên số người tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai, kể cả đặt vòng, đình sản ngày một nhiều. Tình trạng đồng bào đẻ ở rẫy, đẻ ở nhà, tự cắt rốn bằng cật nứa không còn nữa.
Trong 2 đợt chiến dịch phòng-chống sốt rét hàng năm, Trạm Y tế xã kết hợp phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn và xổ giun cho trẻ em toàn xã. Già làng Kpă Ấp thôn Ơi Jít nói về các thầy thuốc đầy tự hào: Các bác sĩ Kpă Híp, Ksor Muôn và cán bộ y tế xã đến buôn mình vào buổi tối, chờ dân làng đi rẫy về để khám bệnh, cấp thuốc và vận động mọi người ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ. Nhiều khi họ ngủ lại làng mấy đêm liền để khám bệnh, cấp thuốc. Bây giờ người buôn mình hầu hết đều thực hiện ăn chín, uống sôi, ở sạch, mỗi khi đi rẫy thường mang theo bình nước đun sôi để nguội uống chứ không uống nước khe suối như trước; heo, bò cũng được làm chuồng nhốt riêng, không nhốt dưới gầm nhà sàn như trước nữa. Nhờ đó mà những người bị các bệnh đau bụng, cảm cúm… giảm nhiều.
Chủ trương đúng đắn
Hơn 10 năm thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, ngành Y tế Krông Pa đã đạt được những thành quả nhất định trong việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã.
Ảnh: Đức Thụy |
Tính đến nay, huyện Krông Pa đã có 16 bác sĩ đang công tác ở 12/14 trạm y tế xã (trừ xã Chư Ngọc và thị trấn Phú Túc chưa có bác sĩ). Trong đó, một số trạm y tế xã được biên chế nhiều bác sĩ như: xã Ia Hdreh có 3 bác sĩ, Ia Rsươm có 3 bác sĩ (1 bác sĩ chuyên khoa 1), xã Ia Rmok có 2 bác sĩ. Chính đội ngũ bác sĩ có tay nghề vững này đã góp phần tạo nên sự thay đổi lớn trong công tác giám sát dịch tễ, khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Minh chứng rõ ràng nhất là công tác phòng-chống sốt rét trong 3 năm gần đây được đẩy mạnh phòng-chống véc tơ, giám sát dịch tễ, khám phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Dẫu rằng huyện Krông Pa là một địa bàn trọng điểm lưu hành sốt rét với tỷ lệ ký sinh trùng được xếp vào loại cao nhất nước và đang trong chu kỳ bệnh sốt rét quay trở lại với hàng ngàn người mắc mỗi năm nhưng tất cả bệnh nhân đều đến trạm y tế hoặc TTYT huyện để khám và chữa trị kịp thời nên không có trường hợp nào chuyển sang sốt rét ác tính và không có người chết do sốt rét.
Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc TTYT huyện Krông Pa cho hay: Những năm qua, Sở Y tế và UBND huyện không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị khám-chữa bệnh và thuốc men mà còn ưu tiên đào tạo chuyên tu bác sĩ, đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các trạm y tế xã. Các trạm y tế xã, từ chỗ làm việc mang tính chất hành chính, nay đã thực sự năng động. Thầy thuốc không chỉ ngồi tại trạm chờ bệnh nhân đến khám mà họ đã chủ động xuống các thôn, buôn tìm người bệnh để chữa trị và tuyên truyền các kiến thức phòng-chống bệnh tật, từng bước nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đức Phương