Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

"Điểm tựa" của người lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với những người từng bị FULRO lôi kéo làm điều sai trái, thời điểm thực sự nhận ra lỗi lầm cũng là lúc họ phải đối diện với rất nhiều cảm xúc: tự ti, mặc cảm, xấu hổ... Khi đó, họ rất cần có người ở bên cạnh động viên, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng, hướng đến một tương lai tươi sáng. Ở xã Bar Măih và xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê, Gia Lai), những người lầm lỡ đã tìm được “điểm tựa” như thế.
“Người tốt nhất” ở làng Tơ Drah
Mỗi khi có khách đến chơi, Đinh Y Wân (SN 1980, làng Tơ Drah, xã Bar Măih) thường chọn chỗ gần cửa bếp làm nơi trò chuyện. Nơi này, gió thổi vào mát rượi, chủ và khách có thể vừa uống nước, vừa phóng tầm mắt ra vườn cà phê xanh mướt. Hôm chúng tôi đến nhà cùng anh Đinh Chro-Bí thư chi bộ làng Tơ Drah, Wân cũng chọn chỗ này để tiếp khách.
Anh Chro sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Anh từng làm Bí thư chi đoàn, Trưởng thôn trước khi là Bí thư chi bộ làng Tơ Drah. Vậy mà đã có lúc, Wân tỏ ra hằn học, xem anh Chro như kẻ thù. Đó là thời điểm Wân nghe lời xúi giục, lừa phỉnh của một số đối tượng phản động, tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đỉnh điểm là vào năm 2004, Wân cầm đầu một nhóm thanh niên kéo lên trụ sở xã gây rối…    
 Anh Kpuih Nhé (bìa phải) và lãnh đạo Công an huyện Chư Sê đến thăm ông Rlan Jú. Ảnh: T.T
Anh Kpuih Nhé (bìa phải) và lãnh đạo Công an huyện Chư Sê đến thăm ông Rlan Jú. Ảnh: T.T
Sau khi thi hành xong bản án 5 năm tù do lỗi lầm đã gây ra, Wân trở về làng Tơ Drah. Lúc này, nhiều người trong làng đã mua được xe công nông, xây nhà mới khang trang nhờ trồng hồ tiêu, cà phê. Nhìn lại cảnh nhà mình thấy bầy con nheo nhóc, vườn tược xác xơ, Wân buồn lắm, cả ngày thui thủi một mình, né tránh mọi người. Wân bảo: “Chỉ đến lúc cảm thấy bế tắc, tôi mới hiểu tại sao anh Chro lại được bà con tin tưởng, quý mến đến vậy. Những ngày tôi mới ở trại về, anh Chro thường đến nhà, nói với tôi việc người ta đang làm để kiếm tiền, chỉ cách cho tôi vay vốn làm ăn. Anh cũng bảo tôi đừng quay lại làm những điều sai trái. Nghe lời anh, tôi bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Hiện tôi đã có 3 ha cà phê, 700 gốc hồ tiêu và còn trồng thêm chanh dây. Cuối năm 2017, tôi gom góp xây được căn nhà trị giá 700 triệu đồng. Giờ đây đối với tôi, anh Chro là người tốt nhất trong làng”.
Ngồi với Wân, anh Chro bảo, gần đây, bọn phản động FULRO lưu vong lại tuyên truyền, lôi kéo bà con vượt biên để được đi nước thứ 3 hưởng cuộc sống sung sướng. “Wân hãy cùng tôi đi tuyên truyền cho bà con đừng nghe lời lừa phỉnh của kẻ xấu bởi mấy người qua Thái Lan, qua Campuchia đều mất hết tiền bạc, khổ cực lắm. Wân cũng từng là nạn nhân của bọn FULRO nên hãy nói cho bà con hiểu rằng, nghe theo chúng thì không được gì hết. Ở trên quê hương mình cũng làm giàu, xây nhà, mua công nông, mua xe đẹp được như Wân”-anh Chro nói. 
Ở làng Tơ Drah, không chỉ Wân mà một số người từng lầm lỡ theo FULRO cũng xem anh Chro như một điểm tựa. Gia đình anh có kinh tế khá vững với 4 ha cà phê, 1.500 trụ hồ tiêu đã cho thu hoạch. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn trồng thử một số loại cây mới như: sachi, chanh dây… Anh cũng tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm để vận động bà con trong làng mở rộng diện tích canh tác, tăng thu nhập. Khi chúng tôi hỏi: “Anh làm thế nào để bà con nghe lời mình?”, anh Chro chia sẻ: “Khi FULRO lưu vong tuyên truyền vào mà không có cán bộ phản bác thì người dân họ cứ nghĩ như thế là đúng. Vì vậy, nói với bà con, tôi phân tích từng chi tiết nhỏ nhất, lấy ví dụ thực tế như Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho người dân trong làng như thế nào, từ cấp thẻ bảo hiểm, cấp gạo, muối đến việc hộ nghèo, gia đình chính sách được ưu tiên, các cháu đi học không mất tiền, được cấp sách vở… Tôi cũng chỉ ra những đổi mới của làng như có trường học, có đường đi rộng rãi, có điện thắp sáng đến từng nhà. Ngoài ra, bà con có khó khăn gì, tôi đều tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với họ. Qua những việc như thế, bà con trong làng đã yên tâm tập trung lao động, không còn nghe FULRO nữa”.
Trưởng thôn tận tâm
Ở làng Pa Pết (xã Bờ Ngoong), những người già như ông Rlan Jú (62 tuổi) rất thích chuyện trò, tin tưởng và nghe theo những gì Trưởng thôn Kpuih Nhé truyền đạt. Ông Jú đã có thời gian nghe lời lừa phỉnh của Rah Lan Ngol (Ama Chăm-đối tượng FULRO hiện sống lưu vong ở Mỹ) nên tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” và từng nằm trong cái gọi là “Ban chấp sự Tin lành Đê ga”. Vậy mà giờ đây, khi chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, ông Jú không giấu nổi sự ngượng ngùng. Ông nói: “Nghe Ama Chăm không được gì cả. Kpuih Nhé phải nói rất lâu, rất nhiều, tôi mới hiểu điều đó. Cảm ơn Nhé cùng cán bộ Công an huyện, xã thường xuyên đến động viên, giúp tôi biết đúng, biết sai, còn tạo điều kiện cho tôi làm ăn, hòa nhập với bà con. Bữa nay, Ama Chăm mà tuyên truyền vào thì nhất định tôi không nghe nữa”.
Nói về đối tượng Ama Chăm, anh Nhé cho biết: “Ama Chăm gốc ở làng này. Nó chống Đảng, Nhà nước, chống chính quyền, trốn ra nước ngoài rồi sống lưu vong ở Mỹ, bỏ mặc vợ con ở đây. Khi sang Mỹ rồi, nó lấy vợ khác, không quan tâm gì đến gia đình ở đây nữa. Luật ở đây ai mà bỏ vợ thì làng phạt không nhẹ đâu. Nó làm nhiều điều sai trái như vậy, người trong làng đều nhìn ra cả. Dần dần rồi chẳng ai nghe nó nói nữa, chỉ cùng nhau chia sẻ cách làm ăn để phát triển kinh tế thôi”.
Không chỉ gần gũi giúp đỡ những người lầm lỡ trong làng, anh Nhé còn là một tấm gương sản xuất giỏi. Mới đây, anh được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng cà phê giống mới, năng suất cao. Anh còn nhận được hàng chục giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 20-12-2018, anh là một trong 31 người uy tín tiêu biểu ở tỉnh ta được tham quan tại Hà Nội và một số tỉnh miền Trung.
Nói về vai trò của đội ngũ người có uy tín ở xã Bờ Ngoong và Bar Măih, Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho biết: “Ở 2 xã này, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông là các vị già làng, trưởng thôn, cán bộ trong hệ thống chính trị. Thời gian qua, người có uy tín ở 2 xã đã phát huy vai trò trách nhiệm, cùng lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đặc biệt là công tác cảm hóa, giáo dục các đối tượng FULRO tại cộng đồng. Bằng tình cảm chân thành với bà con trong làng, họ đã giúp những người lầm lỡ nhận ra được bản chất của bọn phản động FULRO để không mắc mưu kẻ xấu, tích cực hòa nhập cộng đồng. Đáng mừng là nhiều người từng lầm lỡ nay đã trở thành cánh tay đắc lực cùng chính quyền, lực lượng Công an tuyên truyền, giúp đỡ các đối tượng khác trở thành người tốt”.
 THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm