Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Điêu đứng vì "tín dụng đen"-Kỳ cuối: Mở lối thoát cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều giải pháp đã được bàn đến nhằm giúp người dân thoát khỏi những món nợ truyền đời từ “tín dụng đen”. Trong đó, có giải pháp đã được triển khai vô cùng hiệu quả, mang lại niềm tin cho người nghèo.

Nhanh chóng vào cuộc can thiệp, khoanh nợ lấy lại đất cho người dân sản xuất, hướng dẫn họ vay ngân hàng trả bớt nợ, đứng ra bảo lãnh với chủ đầu tư số nợ còn lại để người dân được trả dần…. là cách làm của chính quyền huyện Kbang.

 
Nhiều hộ dân được chính quyền huyện Kbang đứng ra can thiệp lấy lại đất đưa vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: M.T
Nhiều hộ dân được chính quyền huyện Kbang đứng ra can thiệp lấy lại đất đưa vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: M.T

Kiên quyết giúp dân lấy lại đất

Gần 40 hộ người dân tộc thiểu số tại xã Đông, Tơ Tung (huyện Kbang) hết sức vui mừng được tham gia sản xuất cánh đồng mía lớn. Hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn cũng được hướng dẫn vay vốn trả cho chủ nợ và thu hồi lại đất để tham gia mô hình này. Mỗi nhóm từ 10 đến 20 hộ có diện tích đất liền nhau cùng trồng cây mía. Mọi chi phí đầu tư và thu mua sản phẩm được Nhà máy Đường An Khê cam kết đảm nhận, đúng với giá thị trường, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Đi giữa rẫy mía xanh tốt, bên những cây mía to tròn, mập mạp đã cao quá đầu người, vợ chồng ông Đinh Rang-bà Đinh Thị M’Dóc (làng Broch, xã Đông) vẫn ngỡ mình đang nằm mơ. Trước đó, không còn khả năng trả món nợ vay hơn 68 triệu đồng, gia đình đành phải gán mảnh đất hơn 1,3 ha cho chủ nợ trong thời gian 8 năm để cấn trừ. Rơi vào cảnh trắng tay, không còn đất canh tác, vợ chồng ông Rang đành ngày ngày cúi mặt làm thuê trên đất của mình.

Thế nhưng, điều vợ chồng ông Rang không dám mơ đã trở thành hiện thực khi chính quyền xã Đông đứng ra can thiệp với chủ nợ để lấy lại mảnh đất bị xiết nợ từ hơn 1 năm trước cho gia đình. Ủy ban nhân dân xã cũng hướng dẫn ông vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng trả bớt cho chủ nợ, số còn thiếu được khoanh lại trả dần. Chính quyền xã còn tạo điều kiện cho ông vay thêm 15 triệu đồng để mua bò chăn nuôi. Ông Rang nhẩm tính, mùa vụ năm nay, ông sẽ thu hoạch được 100 tấn mía, thu về khoảng 90 triệu đồng. Năm đầu tiên, ông trả chi phí đầu tư cho nhà máy, sang năm thứ 2 sẽ trả hết nợ ngân hàng, chủ đầu tư; bắt đầu năm thứ 3, ông sẽ có của ăn của để.  

Tương tự, vợ chồng ông Đinh A Nhúy-bà Đinh Thị Dép (làng Stơr, xã Tơ Tung) cũng từng lâm vào cảnh túng quẫn do vay phân bón, lương thực và tiền nuôi con ăn học. Lãi mẹ đẻ lãi con, khi số tiền nợ lên đến 85 triệu đồng, gia đình đành gán 5,3 ha đất cho chủ nợ. Đầu năm 2016, theo chủ trương của huyện Kbang, vợ chồng ông được hướng dẫn vay vốn ngân hàng để trả cho chủ nợ, thu lại đất rồi tham gia vào cánh đồng mía lớn. Thu hoạch vụ mía đầu, gia đình ông đã trả nợ được 60 triệu đồng. “Hiệu quả lắm, mừng lắm. Năm nay, gia đình chắc chắn trả hết nợ, vợ chồng tôi sẽ mổ heo đãi làng ăn mừng”-bà Dép vui mừng nói.

Khi chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa tìm được lời giải bài toán vay nợ-mất đất thì huyện Kbang đã mạnh dạn vào cuộc, đứng ra làm việc với các chủ nợ lấy lại đất cho dân. Theo bà Nguyễn Thị Liên-Phó Chủ tịch UBND xã Đông (huyện Kbang): Đối với những hộ này, xã đứng ra làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội trả trước một phần nợ, phần còn lại xã tiếp tục đứng ra bảo lãnh với chủ nợ để người dân thu mía trả dần. Đến nay, xã đã giải quyết cho 17 hộ người dân tộc thiểu số lấy lại được hơn 20 ha đất từ các chủ nợ; hướng dẫn họ tham gia sản xuất cánh đồng mía lớn, được nhà máy hỗ trợ phân bón, tiền cày, chính quyền giúp đỡ cây giống.

Bà Liên cho hay, ban đầu, nhiều hộ dân không muốn lấy lại đất vì bị sức ép của chủ đầu tư, xã cũng lúng túng do không có cơ sở để can thiệp. Không muốn trả đất, chủ nợ hù dọa yêu cầu trả nợ ngay, gây áp lực khiến người dân không chịu phối hợp với chính quyền. “Chủ nợ phản ứng quyết liệt, xã không đủ bằng chứng khẳng định họ kê khống vì có chữ ký của người dân mỗi lần lấy gạo, phân bón. Còn người dân thì nói: Mình lấy lại đất thì đến hết mùa mới có thu hoạch, giờ thiếu tiền, con đau, không có gạo ăn xã có cho mượn tiền, ứng gạo không? Thấy cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động, nhiều người còn trốn tránh nữa. Nhưng trên thực tế, chỉ cần họ có đơn là xã có cơ sở can thiệp ngay”-bà Liên nói.

Mở lối thoát cho dân

 

Ông Đinh Rang-làng Broch được UBND xã Đông đứng ra can thiệp với chủ nợ lấy lại đất, hướng dẫn vay ngân hàng trả nợ. Ảnh: M.T
Ông Đinh Rang-làng Broch được UBND xã Đông đứng ra can thiệp với chủ nợ lấy lại đất, hướng dẫn vay ngân hàng trả nợ. Ảnh: M.T

Theo ông Phan Văn Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Cuối năm 2016, qua kiểm tra, huyện phát hiện có 612 hộ đồng bào Bahnar đã mua bán, trao đổi, cho thuê đất không đúng quy định với diện tích 517,5 ha. Huyện tập trung xử lý từng trường hợp cụ thể và đã giải quyết được 453 trường hợp với diện tích 379,2 ha. Đối với 159 trường hợp còn tồn đọng, huyện sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2017, đồng thời tiếp tục phát hiện, xử lý những trường hợp phát sinh một cách quyết liệt nhất. “Chắc chắn sẽ không xảy ra trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trái phép khi mà người dân tham gia sản xuất cánh đồng mía lớn đạt hiệu quả”-ông Trường khẳng định.

Trong khi đó, UBND huyện Ia Pa cũng giao cho các đơn vị chức năng rà soát lại con số cụ thể về tình trạng cho vay “tín dụng đen”. Đồng thời, ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn, hành vi lừa đảo, cho vay nặng lãi và các hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác để người dân cảnh giác; không để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay với lãi suất cao. Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa giao Công an huyện phối hợp với Công an thị xã Ayun Pa  làm việc với các đối tượng cư trú trên địa bàn thị xã Ayun Pa có cho các hộ dân tại huyện Ia Pa vay tiền.

Ông Lê Văn Biên-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), cho biết: Mùa vụ 2015-2016, các hộ dân làng Klah vay nợ nhưng không có khả năng trả, bị chủ nợ xiết đất. Ủy ban nhân dân xã can thiệp thu lại hơn 4,6 ha đất trồng lúa giao cho hợp tác xã canh tác. Cuối năm 2016, xã tiến hành họp làng tổ chức chia lại cho các hộ dân đã bị lấy đất, hộ nghèo và gia đình chính sách (28 hộ, mỗi hộ 1 sào) để làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, yêu cầu từng hộ viết cam kết, trường hợp nào cố tình tiếp tục đem gán nợ thì xã sẽ thu lại đất và giao cho hộ khác sản xuất.

Trong khi đó, trao đổi với P.V, bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận định: Nhiều hộ người dân tộc thiểu số nhận thức hạn chế nên còn e ngại trong việc vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Do vậy, việc đơn giản hóa các thủ tục cho vay và mở rộng mục đích, tăng mức vay hiện nay để thu hút bà con vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội là hết sức cần thiết. Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tích cực phối hợp với các đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bà con hạn chế vay từ các chủ đầu tư để đảm bảo cuộc sống lâu dài; đồng thời, hỗ trợ tư vấn giúp đồng bào nghèo mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất cũng như chi tiêu trong gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai: Việc đầu tư vốn cho các hộ nghèo vay sản xuất để thoát nghèo trong những năm qua được ngành Ngân hàng rất quan tâm. Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp ở một số xã, nhiều hộ nghèo vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. “Mong rằng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thời gian tới cần có số liệu thống kê, nắm lại cụ thể vấn đề này. Những hộ nghèo nào có điều kiện sản xuất nhưng thiếu vốn, ngành Ngân hàng đảm bảo sẽ đáp ứng nguồn vốn cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ”.

 

Ông Đinh Sưn-Trưởng nhóm hộ trồng mía theo cánh đồng lớn (xã Tơ Tung, huyện Kbang): Toàn xã có 2 nhóm hộ tham gia cánh đồng mía lớn với diện tích hơn 30 ha. Đây là những hộ thuộc diện vay nợ nhưng làm ăn thua lỗ rồi cho thuê đất hoặc gán đất cho chủ nợ được chính quyền xã can thiệp lấy lại đất. Xã tổ chức họp làng mời các gia đình này lên thỏa thuận với chủ nợ lấy lại đất, chốt số tiền nợ và không tiếp tục tính lãi. Được hướng dẫn vay ngân hàng trả nợ, vay tiền mua thêm bò và tham gia sản xuất cánh đồng mía lớn, bà con đều rất mừng.

“Đặc biệt, tại huyện Ia Pa, nhiều hộ đã nghèo nhưng lại không tiếp cận được vốn của ngân hàng phải vay nóng ở ngoài. Khi có số liệu thống kê đầy đủ, chúng tôi sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội, chi nhánh các ngân hàng thương mại cho họ vay vốn trả nợ. Làm thế nào để trong năm 2018 không còn trường hợp người dân cần vốn mà phải vay “tín dụng đen”-ông Cư khẳng định.

*
Bao đời nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai luôn gắn bó với nương rẫy; cây bắp, cây mì hay đàn gia súc đã nuôi sống bao thế hệ người Bahnar, Jrai. Thế nhưng, giờ đây, nếu không có sự can thiệp của chính quyền địa phương để giữ đất, giữ tài sản cho họ, câu chuyện làm thuê trên đất của chính mình sẽ còn tiếp diễn, cái đói cái nghèo vẫn còn đeo bám. Và trên hết, nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng “tín dụng đen” tiếp tục hoành hành. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương các nơi cần mạnh dạn vào cuộc như huyện Kbang, sớm trả lại cuộc sống bình yên vốn có ở các buôn làng.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm