Báo xuân

Điệu múa thiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong kho tàng diễn xướng dân gian các dân tộc, nghệ thuật múa luôn chiếm vị trí quan trọng. Múa luôn gắn với đời sống, thể hiện phong cách, tâm hồn và tình cảm của mỗi tộc người. Trong kho tàng nghệ thuật của các dân tộc đều có sự hiện diện của điệu múa thiêng. Đó là những điệu múa thể hiện nghi lễ tạ ơn, dâng cúng lễ vật lên các vị thần. Nét đặc trưng nổi bật là người múa đội lễ vật trên đầu, đưa hai tay lên trời thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn kính đối với thần linh. Những điệu múa ấy còn bảo lưu, phát triển các tộc người nước ta như Cơ Tu, Chăm và một số dân tộc trên thế giới.
 

Vũ điệu Da dá trong lễ hội của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Tấn Vịnh
Vũ điệu Da dá trong lễ hội của dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Tấn Vịnh

Điệu múa Tân tung Da dá là điệu múa thiêng của người Cơ Tu. Động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xòe lên trời cầu xin và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh. Cầu mùa là một nghi lễ nông nghiệp khá phổ biến ở cư dân người Việt và cùng nhiều tộc người khác ở Việt Nam và gắn bó với đời sống của con người. Cầu mùa thể hiện tâm niệm, ước vọng của con người, cầu mong mùa màng tốt tươi, ấm no, hạnh phúc. Múa, hát, khấn tụng là một trong những loại hình nghệ thuật thể hiện nghi lễ cầu mùa. Trong lễ trỉa lúa, điệu Da dá là hành động thể hiện sự cầu xin thần linh cho cây lúa lên tốt, được mùa.

Đối với người Chăm, tập quán đội những đồ vật trên đầu khá phổ biến. Phụ nữ Chăm cũng thường đội những chiếc thúng nhỏ đựng đồ, không nặng lắm, để đôi tay có thể cầm thêm vật khác. Tập quán đội trên đầu có thể giải thích từ nguyên nhân thích ứng với môi trường sống. Từ công việc lao động thường nhật, tập quán đội đầu đã đi vào nghệ thuật diễn xướng trong các lễ hội của người Chăm. Lễ vật dâng thần linh là nước, hoa trái, xôi bánh, trầu cau, đèn sáp ong… Nước và mâm lễ vật là những thứ rất quý, là thứ luôn cần trong sạch, thiêng, nên họ tôn trọng để trên cao chứ không xách hay để thấp ngang người. Phụ nữ Chăm đội chiếc Thor hala 3 tầng, người ta gọi là cổ bồng trầu, vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được xếp lại thành những tầng rất đẹp mắt. Khi đội trên đầu thì nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn các điệu múa ở đền tháp cổ kính.

 

Vũ điệu dâng lễ trong hội Ka Tế. Ảnh: Tấn Vịnh
Vũ điệu dâng lễ trong hội Ka Tế. Ảnh: Tấn Vịnh

Một điệu múa khá độc đáo nữa của người Chăm là múa đội nước. Các cô gái đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái khay (ka ya) đựng bộ ấm chén bằng đất nung. Trong bình gốm hoặc ấm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý. Các cô gái vừa múa vừa nhún chào các vị khách, sau đó đỡ ấm nước xuống rồi rót nước chè ra từng cốc mời khách dùng nước. Không chỉ đội lễ vật trên đầu để đi lại, múa hát mà người còn Chăm thường tổ chức thi thố nhau về tài nghệ đội đồ vật của mình. Trò chơi thi đội nước, đội bình gốm thường được tổ chức trong các lễ hội. Đây là hình thức vui chơi khá hấp dẫn, lôi cuốn mà các cô gái trẻ người Chăm mang đến cho du khách trong các dịp lễ hội.

Vào những lễ hội truyền thống, lễ hội mừng Xuân, du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của điệu múa dâng lễ trang nghiêm xuất hiện giữa những ngôi đền tháp thiêng liêng, cổ kính hay dưới mái nhà làng truyền thống. Vũ điệu dâng trời trở thành tinh hoa văn hóa của dân tộc Cơ Tu, đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014). Nó được các nhà biên đạo múa dàn dựng thành những tiết mục múa độc đáo biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng. Điệu múa dâng lễ của dân tộc Chăm luôn hấp dẫn du khách mỗi khi đến chiêm ngưỡng, tham quan.

 Tấn Vịnh

Có thể bạn quan tâm