Dinh dưỡng thai nhi- Vấn đề bà mẹ cần quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong suốt thời kỳ mang thai, ngoài việc đến trạm y tế để khám thai và đăng ký quản lý thai nghén định kỳ để được theo dõi sự phát triển của thai nhi và sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, thì vấn đề dinh dưỡng cũng như chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý cho việc phát triển của thai nhi, nhằm đảm bảo người mẹ có đủ sức khỏe chuẩn bị cho cuộc sinh hạ là việc làm cần được quan tâm.
Phải tăng từ 10 kg đến 12 kg trong thời kỳ mang thai
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 1/3 số trẻ khi sinh ra có cân nặng dưới 2.500g bị chết trong năm đầu đời. Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, những trẻ sinh đủ tháng có cân nặng lúc sinh có trọng lượng dưới 2.500 g được xem là những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Nguyên nhân, thường do trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị ốm đau bệnh tật.
Khám thai định kỳ tại cơ sở y tế. Ảnh: Nguyễn Giác
Khám thai định kỳ tại cơ sở y tế. Ảnh: Nguyễn Giác
Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, cơ, xương, não, gan, thận... đều bị ảnh hưởng mà điều dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra nhẹ cân. Hậu quả của tình trạng này tùy thuộc vào giai đoạn bào thai bị suy dinh dưỡng, chế độ nuôi dưỡng trẻ sau khi chào đời. Suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ làm cho bộ não chậm phát triển, sau này trẻ sẽ kém thông minh. Nếu được nuôi dưỡng đúng, trẻ sẽ phát triển bình thường và đạt mức cân nặng như những trẻ khác sau 2-3 tháng, nhưng việc nuôi dưỡng không tốt làm cho trẻ tiếp tục bị suy dinh dưỡng, ốm đau, còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh. 
Do vậy, vấn đề cân nặng của thai nhi và việc tăng cân của bà mẹ phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi của bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Theo bác sĩ Mạc Văn Thắng- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh Gia Lai: Trong suốt thời kỳ mang thai, việc thường xuyên theo dõi cân nặng sẽ giúp người mẹ biết được sự phát triển của thai nhi để có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thông thường trong mỗi thời kỳ mang thai, người mẹ phải tăng từ 10 kg đến 12 kg. Để theo dõi, các thai phụ có thể chia thời kỳ này thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg và 3 tháng cuối tăng từ 5 kg đến 6 kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3 kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4 kg thì người mẹ cần quan tâm thêm đến việc ăn uống và bồi dưỡng thể trạng. Tuy nhiên, việc tăng cân quá mức cũng không tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Do vậy, nếu thấy không tăng cân hoặc tăng quá nhanh thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời. Cũng theo bác sĩ Thắng: Nhu cầu và thể trạng của từng phụ nữ sẽ khác nhau, do vậy tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình các bà mẹ có thể ăn thêm cơm (2 chén mỗi ngày) hoặc ăn thêm các loại rau, củ, quả và thức ăn có chứa nhiều chất sắt để chống thiếu máu như trứng, gan, rau muống… Nếu có điều kiện thì ăn thêm thịt, cá, sữa đảm bảo lượng canxi cần thiết trong quá trình hình thành xương của thai nhi.
Chế độ lao động và sinh hoạt của thai phụ
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác
Các cụ xưa cho rằng, phụ nữ mang thai cần luôn tay, luôn chân, làm lụng cho khỏe và để cho dễ sinh. Tuy nhiên, với những chứng minh của y học hiện đại, đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm, vì lao động quá sức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà có thể làm cho thai nhi bị suy yếu dễ dẫn đến nguy cơ phải sinh non.
 
Trong quá trình ăn uống, bồi dưỡng đầy đủ dưỡng chất cho việc mang thai. Bà mẹ tuyệt đối không uống rượu bia, nước chè đặc, cà phê cũng như không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các loại gia vị như: Tiêu, tỏi, gừng, ớt mà nên ăn nhạt (giảm muối hạt), nhất là các bà mẹ bị phù để giảm phù và giảm tai biến khi sinh. Không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
Chính vì vậy, khi có thai, ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống, bổ dưỡng và thăm khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế, các bà mẹ mang thai cần có chế độ lao động, làm việc hợp lý, không làm những việc nặng như gồng, gánh nặng, cày cấy. Đặc biệt những tháng cuối của thai kỳ nên nghỉ hẳn để mẹ và thai đều khỏe mạnh, tăng cân.
Với những người mẹ sức khỏe yếu, ăn uống thiếu thốn thì càng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, nhất là đảm bảo ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày, nơi nghỉ cần thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bên cạnh đó, bà mẹ mang thai cần giữ thói quen thường xuyên vệ sinh cá nhân, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ từ 15 phút đến 20 phút mỗi ngày, tránh tiếp xúc với chất độc hại và luôn giữ cho tinh thần thật thoải mái.
Nguyễn Huy

    

Có thể bạn quan tâm