Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Giải đáp thấu đáo kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 4-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) và xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa). Với tinh thần cầu thị, các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe, giải đáp thấu đáo những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền và ghi nhận các ý kiến còn lại để chuyển cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tham dự buổi tiếp xúc có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa và đông đảo cử tri địa phương.

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc ngày 18-11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng-chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng-chống rửa tiền (sửa đổi). Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak). Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật và xem xét các báo cáo có liên quan.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với cử tri xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với cử tri xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi

Sau khi nghe báo cáo, cử tri các địa phương đã ý kiến, kiến nghị xoay quanh các vấn đề: đầu tư cơ sở hạ tầng, trạm y tế; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, kênh mương; chế độ chính sách với cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cán bộ về hưu, học sinh, sinh viên thuộc diện cử tuyển; hỗ trợ thiệt hại do thiên tai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết việc làm; khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Ba…

Ông Đinh Hữu Tư-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsai-kiến nghị: Tuyến đường trục chạy qua địa bàn xã là đường cụt gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa của người dân, đề nghị Nhà nước quan tâm mở rộng mạng lưới giao thông kết nối với các huyện trong tỉnh và với tỉnh khác, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho các trạm y tế xã cũng như chế độ chính sách với đội ngũ y-bác sĩ tại trạm nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân địa phương; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.

Đồng quan điểm, ông Rô Hà-công chức Văn phòng-Thống kê xã Ia Rsai nêu ý kiến: Ia Rsai là xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng nhưng cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã. Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, thiên tai thường xuyên xảy ra gây hư hỏng nhiều tuyến đường nội đồng khiến nông sản bị thương lái ép giá do khó khăn trong khâu vận chuyển. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí kinh phí duy tu đường nội đồng để tạo thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất. Ngoài ra, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra trong khi giá cả các mặt hàng tăng cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách bình ổn giá giúp bà con ổn định cuộc sống.

 

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với cử tri xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với cử tri xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Vũ Chi

Tại xã Chư Băh, cử tri các xã, phường của thị xã Ayun Pa kiến nghị nhiều vấn đề về chính sách trồng rừng, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, bố trí công chức văn phòng Đảng ủy, chế độ chính sách đối với cán bộ thôn, tổ dân phố. Cử tri Lê Thị Hạ (phường Hòa Bình) kiến nghị: “Hiện tại, một số gia đình xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở nhưng sau đó lắp thiết bị dẫn dụ chim yến. Xin hỏi các cấp, các ngành định nghĩa như thế nào là nhà nuôi chim yến và với những trường hợp này chế tài xử lý như thế nào? Bên cạnh đó, nhiều hộ tại các tổ dân phố muốn phát triển chăn nuôi nhưng lại vi phạm quy định về mật độ chăn nuôi trong khu đô thị. Mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho bà con tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống”.

Giải đáp thấu tình, đạt lý

Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các địa phương đã giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền. Theo ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, việc sạt lở bờ sông Ba đang là vấn đề nóng tại địa phương. Đoạn sông Ba qua địa bàn huyện dài 45 km. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư xây dựng kè sông Ba rất lớn, khó thực hiện. Để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, trước mắt, tỉnh đã đầu tư kè bảo vệ cầu Lệ Bắc với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Huyện đang xây dựng khu tái định cư buôn Lang (xã Chư Rcăm) cho 102 hộ vùng sạt lở dọc sông Ba. Đối với việc thu hút đầu tư, UBND huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp tại thị trấn Phú Túc và xã Phú Cần. Hiện có 14 dự án được nhà đầu tư đến khảo sát, xin chủ trương đầu tư. Nếu làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, trong tương lai gần, 14 dự án này sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại chỗ.

Trả lời kiến nghị của cử tri thị xã Ayun Pa, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Chính sách hỗ trợ người trồng rừng được quy định năm đầu là 2,25 triệu đồng, năm thứ 2 là 250 ngàn đồng, tổng mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/ha. Sở Nông nghiệp và PTNT ký kết với từng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng sau khi có hồ sơ thiết kế dự toán trồng rừng chung của tỉnh được phê duyệt. Các hộ gia đình tự túc về cây giống. Sau khi trồng, Sở tổ chức nghiệm thu, trên cơ sở đó sẽ giải ngân, do vậy không được tạm ứng kinh phí trước. Về vấn đề chăn nuôi, căn cứ Luật Chăn nuôi năm 2018, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ khu vực được phép chăn nuôi chim yến. Việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu vực nội thị là sai so với quy định. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt xử lý các trường hợp này.

Trả lời một số kiến nghị của cử tri, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương cho hay: Đề nghị có chế độ chính sách hỗ trợ Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nguyện vọng của không chỉ riêng cử tri huyện Krông Pa mà còn của cử tri tại nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, quy định của Nhà nước chỉ hỗ trợ phụ cấp cho chi hội nằm trong hệ thống chính trị, còn các hội đặc thù thì không. Với kiến nghị xem xét đưa cây điều vào danh mục cây trồng lâm nghiệp chính vì nhiều cây trồng trong danh mục không phù hợp với điều kiện khí hậu nhiều địa phương của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trả lời rõ: “Cây điều là cây đa mục đích, không được trồng trên đất lâm nghiệp. Ghi nhận ý kiến của cử tri, Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và hướng dẫn địa phương chọn lựa các loại cây trồng trong danh mục phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để triển khai trên địa bàn”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) tặng quà cho Nhân dân và cán bộ xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Ảnh: Vũ Chi
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) tặng quà cho Nhân dân và cán bộ xã Ia Rsai, huyện Krông Pa. Ảnh: Ảnh: Vũ Chi
Dịp này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đã tặng phần quà cho 2 xã Ia Rsai và Chư Băh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách ở 2 địa phương.



Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cảm ơn sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Nhiều kiến nghị chính đáng đã được cử tri thẳng thắn nêu ra tại hội nghị. Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của cử tri, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành của tỉnh đã có giải đáp thấu đáo. Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ như đầu tư tuyến đường tránh trên quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), đầu tư đường cao tốc Pleiku-Quy Nhơn và chế độ chính sách cho các đối tượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị lên Quốc hội trong kỳ họp tới để trả lời lại cho cử tri. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Vì nguồn kinh phí của Trung ương cũng như của tỉnh có hạn nên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ xem xét các hạng mục mũi nhọn để kiến nghị ưu tiên đầu tư trước. Dù thuộc thẩm quyền của xã, huyện, thị xã, tỉnh hay Quốc hội, đoàn sẽ tiếp thu, ghi nhận cũng như giám sát kết quả giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân”.
 

 VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm