(GLO)- Sáng ngày 21-10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình, kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 21-10 đến ngày 27-11, đây là kỳ họp cuối năm của năm thứ 4 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020.
Những thành tựu nêu trên là rất quan trọng, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Định |
Đây là kỳ họp cuối năm, chương trình nghị sự của kỳ họp này gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất: Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020 cũng là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020. Do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Quốc hội sẽ nghiên cứu, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tiếp tục chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Quốc gia; giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước; góp phần tích cực xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ hai: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhân dân và xã hội quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…
Cùng với các dự án luật điều chỉnh về kinh tế-xã hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức,… nhằm đổi mới tổ chức, sắp xếp hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông. Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng khác...
Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… cũng đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận.
Tham dự kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai có 6 đại biểu (sau khi đại biểu Bùi Văn Cường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chuyển sinh hoạt đoàn về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đak Lak) sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc các nội dung trong kỳ họp góp phần vào thành công của kỳ họp.
Vũ Định