Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về dự án đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Đoàn Giám sát Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đường Hồ Chí Minh. Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
 

Ảnh: Ngọc Linh
Ảnh: Ngọc Linh

Dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên có chiều dài khoảng 660 km từ Đak Zôn (tỉnh Kon Tum) đến huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Trong đó, đoạn từ Đak Zôn đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 110 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2004. Đoạn còn lại dài khoảng 550 km được chia thành 20 dự án thành phần và đang được triển khai. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015 sẽ phải hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng 18 dự án thành phần.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên một số dự án thành phần phải tạm dừng, hoãn lại sau năm 2015. Tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 113 km được xây dựng trước năm 1975 với quy mô đường cấp III miền núi (nền rộng 9 mét, mặt đường rộng 6 mét). Bên cạnh đó, tuyến đường có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tuyến đường rất cần được đầu tư nâng cấp.

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ nên có những cơ chế tài chính để tháo gỡ những khó khăn, huy động những nguồn lực đầu tư cho đường Hồ Chí Minh. Thay mặt Đoàn giám sát, ông Lê Bộ Lĩnh-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu những kiến nghị của các đại biểu và cho biết tới đây Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tiến hành họp để có kiến nghị cụ thể với Quốc hội xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án quan trọng này.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm