Báo xuân

Doanh nghiệp Gia Lai trên đất nước Chùa Vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiếc máy bay A320 của Hãng Hàng không Jetstar Pacific từ TP. Hồ Chí Minh sau 2 giờ 15 phút bay đã đáp xuống sân bay Mingaladon, Yangon-thành phố lớn nhất đất nước Myanmar trong tĩnh lặng sương mù và mưa phùn một buổi trưa cuối tháng 7-2016. Ngồi cạnh tôi trên chuyến bay, một lãnh đạo của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, bây giờ giá vé từ TP. Hồ Chí Minh đi Yangon đã giảm, chỉ bằng 1/3 so với 2 năm trước, khi Tập đoàn vừa sang Myanmar đầu tư. Du khách Việt đến Yangon ngày càng đông nên giá dịch vụ giảm, khách chủ yếu du lịch tâm linh và tìm kiếm cơ hội làm ăn ở một đất nước vừa mở cửa hội nhập.
 

Khánh thành Khách sạn Melia Yangon của Tập đoàn HAGL.      Ảnh: N.C
Khánh thành Khách sạn Melia Yangon của Tập đoàn HAGL. Ảnh: N.C

Sân bay quốc tế Mingaladon nhỏ nhắn, tầm hạng trung của Việt Nam. Vừa xuống máy bay, ra khu vực đậu đỗ đón xe, anh bạn cùng đoàn chỉ tay về những nhân viên công vụ và nhóm tài xế taxi đang đợi khách người Mayanmar tếu: “Anh em mình không mượn váy của vợ để hòa nhập rồi”. Đàn ông Myanmar váy là váy. Có người mặc quần trong nhưng váy ngoài. Nam nhân viên công quyền, nhân viên dịch vụ ở sân bay đều vận váy, trong khi phụ nữ nhiều người vận âu phục. Mới nhìn, đàn ông Myanmar lạ lẫm, nhìn kỹ, nghĩ kỹ thấy tiện ích và tiết kiệm lắm.

Từ sân bay Yangon vào trung tâm thành phố 19 km. Bên đường cây xanh thoáng đãng, yên bình. Myanmar đất rộng, người thưa, diện tích gấp đôi song dân số chỉ 1/2 của Việt Nam. Quy hoạch, kiến trúc thông thoáng, không chen chúc như đô thị Việt mình. Yangon (còn gọi là Rangoon) là thành phố lớn nhất Myanmar, dân số hơn 4 triệu người, nằm ở ngã ba sông Yangon và sông Bago, cách vịnh Martaban 30 km. Yangon vốn là thủ đô của Myanmar, năm 2006, Chính phủ quyết định dời đô về Naypyidaw cách Yangon hơn 500 km. Không còn là trung tâm chính trị song Yangon đang ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước bởi sự cuốn hút khách du lịch và kinh doanh vận tải biển.

Vài năm lại đây khi Myanmar mở cửa, đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Myanmar, trong đó có Tập đoàn HAGL. Cho đến nay, bầu Đức đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Yangon, xây dựng khu phức hợp HAGL Myanmar Center. Giai đoạn I, dự án gồm một trung tâm thương mại và 2 tòa nhà văn phòng cho thuê cao 27 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 192.000 m2, đã chính thức hoạt động từ tháng 12-2015. Ngày 31-7-2016, Tập đoàn HAGL khánh thành khách sạn 5 sao tại Yangon. Để khai thác hiệu quả khách sạn, HAGL đã ký hợp đồng quản lý khách sạn với Tập đoàn Melia-một tập đoàn quản lý khách sạn uy tín hàng đầu thế giới. Với sự hợp tác này khách sạn 5 sao của HAGL ở Yangon mang tên Melia Yangon và tham gia vào hệ thống 350 khách sạn 5 sao do Melia quản lý trên toàn cầu.

 

Chùa Vàng-điểm du lịch nổi tiếng của Myanmar. Ảnh: N.C
Chùa Vàng-điểm du lịch nổi tiếng của Myanmar. Ảnh: N.C

Melia Yangon có 429 phòng, nội thất sang trọng, đẳng cấp, một mặt hướng về Chùa Vàng linh thiêng và mặt kia sát hồ Inya thơ mộng. Khách sạn có đầy đủ các tiện nghi như: trung tâm hội nghị, trung tâm giải trí, 3 nhà hàng cao cấp Âu Á, trong đó có nhà hàng ẩm thực Việt Nam, phòng tập thể dục hiện đại, hồ bơi ngoài trời, spa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với vị trí trung tâm thành phố Yangon, kết nối sân bay quốc tế với trục đường cao tốc đến thủ đô Naypyidaw, khách sạn Melia Yangon của HAGL được xem là cực kỳ đắc địa.

Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center được xây dựng trên diện tích đất 73.358 m2 là dự án đầu tư bất động sản 100% vốn nước ngoài lớn nhất Myanmar tính đến thời điểm này. Dự án được thực hiện theo hợp đồng B.O.T với thời gian 70 năm. Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn I gồm có trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê số 1 và khách sạn 5 sao Melia Yangon; Giai đoạn II gồm: tòa nhà văn phòng cho thuê số 2, căn hộ dịch vụ và căn hộ thương mại.

Từ khách sạn Melia Yangon, chúng tôi đi taxi chừng 20 phút là đến chùa Shwedagon. Nằm ở phía Tây của hồ Kandawgyi, trên đồi Singuttara, chùa Shwedagon (còn gọi Chùa Vàng) là ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất Myanmar và cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Các tài liệu cho biết, ban đầu chùa chỉ cao 8,2 mét, sau những lần tu sửa và nâng cấp, Chùa Vàng ngày nay cao 112,17 mét. Chùa được xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca. Chùa Vàng có một tháp chính và hàng trăm tháp xung quanh được dát vàng. Đỉnh của tháp chính đính tới 4.531 viên kim cương, viên lớn nhất là 72 carat vô cùng quý giá. Chùa Vàng từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo trên toàn lãnh thổ Myanmar và hiện tại có rất nhiều du khách Việt thường xuyên đi lễ, tham quan. 

 

Khu phức hợp của HAGL ở Yangon. Ảnh: N.C
Khu phức hợp của HAGL ở Yangon. Ảnh: N.C

Đi dạo một vòng quanh Yangon, du khách có cảm giác như lạc vào một thế giới khác, những ngồi làng “ngủ”, tu viện cũ và những ngồi chùa ẩn trong khu rừng nhỏ. Các lễ hội ở chùa Kyaik Khauk thuộc thị trấn Kyauktan là một trong những lễ hội lớn nhất trong khu vực. Gần đó là ngôi làng Twante, nổi tiếng với kỹ thuật làm gốm truyền thống hàng ngàn năm lưu truyền.

Từ khi Mayanmar mở cửa, đất nước này đã nhanh chóng thu hút du khách nước ngoài với mỗi năm hàng triệu lượt người. Việc Tập đoàn HAGL đầu tư trực tiếp vào Yangon thể hiện tầm nhìn, sự nắm bắt thời cơ nhanh nhạy và táo bạo của doanh nhân Gia Lai trong đầu tư, làm ăn ra nước ngoài.

 Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm