Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Doanh nghiệp "thoát nạn" thanh-kiểm tra chồng chéo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị không được kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Nhiều doanh nghiệp đã thở phào nhẹ nhõm khi “thoát nạn” phải tiếp quá nhiều đoàn đến thanh-kiểm tra, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền địa phương các cấp với cộng đồng doanh nghiệp, những kiến nghị liên quan tới vấn đề thanh-kiểm tra hàng năm thường xuyên được nêu ra. Các doanh nghiệp chủ yếu đề nghị chính quyền các cấp xem xét, sắp xếp những cuộc thanh-kiểm tra hợp lý, tránh trường hợp doanh nghiệp vừa phải tiếp đoàn kiểm tra của sở này đã phải làm việc với đoàn thanh tra của ngành nọ. Sau những cuộc đối thoại ấy, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan phải thực hiện tốt vấn đề này để tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Song do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan, sự thiếu quyết liệt ở cơ sở khiến tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
 

Công nhân phân loại hạt điều tại Công ty Olam. Ảnh: H.D
Công nhân phân loại hạt điều tại Công ty Olam. Ảnh: H.D

“Cứ nhắc tới kiểm tra, thanh tra là tôi gần như ám ảnh. Không ám ảnh sao được khi mỗi năm phải tiếp quá nhiều đoàn đến kiểm tra. Tôi làm ăn nhỏ không nói, chứ bạn tôi là doanh nghiệp lớn, mỗi đợt thanh-kiểm tra là lại kéo theo những chi phí mà người ta thường gọi là chi phí không chính thức, biết thanh-quyết toán vào đâu? Chưa kể, không ít trường hợp biết rõ là bị lợi dụng danh nghĩa kiểm tra để nhũng nhiễu mà cũng chẳng biết né kiểu gì”-anh Nguyễn Ngọc Hưng-chủ một doanh nghiệp kinh doanh phân bón tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku) cho biết.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề chồng chéo trong thanh-kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phần nào được cải thiện. “Từ năm 2015, tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Trong quy chế này có nội dung về việc hạn chế kiểm tra, tránh kiểm tra doanh nghiệp một cách chồng chéo. Khi có Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai một cách quyết liệt. Nhưng tại các địa phương, công tác này vẫn còn lúng túng, triển khai chưa triệt để, tình trạng doanh nghiệp bị kiểm tra nhiều lần/năm còn nhiều. Từ năm 2017 trở đi, tỉnh đã quyết liệt hơn trong vấn đề này”-ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cho biết. Theo đó, công tác thanh-kiểm tra doanh nghiệp được giao cho đầu mối là Thanh tra tỉnh. Trước ngày 15-11 hàng năm, các sở, ngành, địa phương phải gửi kế hoạch thanh tra doanh nghiệp của năm sau cho Thanh tra tỉnh để tổng hợp, sắp xếp cho hợp lý. Kế hoạch này sẽ được trình UBND tỉnh phê duyệt.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, câu chuyện doanh nghiệp vẫn bị thanh-kiểm tra vô tội vạ, doanh nghiệp sợ bị nhũng nhiễu một lần nữa được các đại biểu nêu ra. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn nhận định rằng: “Một năm doanh nghiệp phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức... thì rất gay go”. Còn ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát, lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo đang là một vấn nạn.

Sau hội nghị, liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo nên sự an tâm, tin tưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm