Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), doanh thu từ thuốc giả trên thị trường thế giới mỗi năm lên tới 68,6 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 75 tỷ USD).
Tiêu hủy thuốc giả tại Thiên Tân. |
Đây quả là một con số "hấp dẫn" những kẻ buôn lậu và sản xuất thuốc giả, trong khi các chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm.
Nguồn tin từ Tổ chức phi chính phủ quốc tế Bác sĩ không biên giới (MSF) có chi nhánh tại 80 quốc gia cho biết ngày nào họ cũng phải giải quyết các vụ khiếu kiện của các cá nhân và gia đình liên quan đến thuốc giả. Trên phạm vi toàn cầu, nạn nhân của tình trạng buôn lậu thuốc giả mỗi năm dao động từ 500.000 đến 1 triệu người.
WHO cảnh báo tình trạng bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Tỷ lệ lưu hành thuốc giả trung bình khoảng 30% ở các nước đang phát triển, trong khi ở các nước phát triển chỉ là 1%.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh sốt rét do mua phải thuốc giả. WHO cho rằng số ca tử vong vì thuốc giả có thể lên tới cả triệu người mỗi năm.
Nguồn tin của MSF cho biết quá trình đăng ký cấp phép thuốc được thực hiện chủ yếu trên giấy tờ chứ chưa qua kiểm nghiệm thực tế. Các cơ quan y tế và các nhà chức trách thường không đủ kinh phí để thực hiện đăng ký xin giấy phép.
Trong khi tại nhiều quốc gia, người dân không có bảo hiểm y tế hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với hệ thống dịch vụ dược phẩm và y tế. Bất chấp nguy cơ mua phải thuốc giả, nhiều người vẫn mua thuốc trên thị trường hoặc qua những người kinh doanh thuốc vì thường có giá rẻ hơn.
Trong khi đó, thuốc giả thậm chí cũng có thể "len lỏi" vào các hệ thống tư nhân và công quyền, ở cả các phòng thí nghiệm và bệnh viện.
Hiện tại, mỗi nước đều đang cố gắng giải quyết vấn nạn thuốc giả theo cách riêng, nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính.
Các chuyên gia cho rằng thời kỳ phát đạt của những kẻ buôn bán và sản xuất thuốc giả vẫn đang ở phía trước, nếu nhìn vào khía cạnh lợi nhuận và doanh thu từ thuốc giả.
Theo TTXVN