Báo xuân

Độc đáo đội cồng chiêng nữ Ê Đê Bih

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một nhóm trong tộc người Ê Đê vùng Tây Nguyên cư trú quanh lưu vực sông Krông Ana (Đak Lak), người Ê Đê Bih hiện nay còn rất ít song vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa riêng biệt, đặc biệt nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng hoàn toàn do phụ nữ thực hiện.
 

  Đội cồng chiêng nữ Ê Đê Bih.  Ảnh: Tú Uyên
Đội cồng chiêng nữ Ê Đê Bih. Ảnh: Tú Uyên

Đã nhiều lần thấy phụ nữ Ê Đê biểu diễn cồng chiêng như những đấng mày râu, song tôi vẫn cảm thấy lạ, thú vị xen lẫn cảm phục. Trong chuyến công tác tại Đak Lak, gặp Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung-người có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, tiến sĩ cho biết: Đó là nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê Bih. Đặc biệt hơn nữa khi bà tiết lộ: “Mình cũng là người dân tộc Ê Đê Bih, sinh ra ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana, Đak Lak) nên văn hóa, phong tục tập quán của nhóm người Ê Đê Bih như không khí, bữa ăn thường ngày. Chưa cần phải nói đến công tác nghiên cứu thì nó đã quá đỗi quen thuộc”. Bà tiếp lời: “Dòng máu dân tộc luôn rừng rực trong huyết quản, nó thôi thúc tôi không ngừng tìm hiểu về những gì liên quan đến nguồn cội”.

Theo nữ tiến sĩ, không chỉ riêng người Ê Đê, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội là công việc của đàn ông, phụ nữ chỉ múa phụ họa. Nhưng đối với người Ê Đê Bih thì phụ nữ lại đánh cồng chiêng, nam giới múa khiên, đấu kiếm theo nhịp chiêng của đội chiêng nữ. Dàn chiêng của phụ nữ Ê Đê Bih thường có 6 chiếc, chia thành 3 cặp gồm: cặp chiêng mẹ, cặp chiêng con và cặp chiêng bố. Cùng với trống HGơr có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng trong lúc diễn tấu đúng bài bản, trình tự theo từng cung bậc, 3 cặp chiêng tạo nên những hợp âm khác nhau. Sự phối hợp nhịp nhàng ấy ngân lên những âm thanh khi trầm bổng, hùng tráng, khi thiết tha sâu lắng. Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Tiếng chiêng cất lên bởi những người phụ nữ được xem là tiếng lòng của họ với đất trời, tổ tiên và gia đình.

Khi diễn tấu cồng chiêng, nghệ nhân đội chiêng nữ Ê Đê Bih thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian hàm ý như ngược về nguồn cội. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là nét đặc thù mà dân tộc Ê Đê Bih còn lưu giữ nguyên gốc. Chiêng được sử dụng trong các dịp lễ hội của người Ê Đê, lễ cúng lúa mới quan trọng và đặc sắc bậc nhất của bà con dân tộc Ê Đê nói chung và Ê Đê Bih nói riêng. Bài chiêng sử dụng trong lễ cúng này luôn kết thúc bằng nghi lễ giao chiêng mang thông điệp về trách nhiệm trao truyền. Người Ê Đê Bih quan niệm, khi cái chân người già đã mỏi, cái gối đã chùn, không đi làm được nữa, phải giao nương rẫy lại cho con cháu, việc cúng thần lúa cũng phải do con cháu đảm nhiệm. Nghi thức giao chiêng này như lời nhắc nhở về sự kế tục, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước để duy trì bản sắc, phong tục của dân tộc.

Hiện nay môi trường sống thay đổi kéo theo sự đổi thay về thị hiếu, thẩm mỹ, cộng với ý thức hiện đại hóa của con người đang làm cho bản sắc văn hóa truyền thống ngày càng mai một. Tộc người Ê Đê Bih cũng không là trường hợp ngoại lệ. Vấn đề này, Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung cho rằng, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc đã được quan tâm hơn nhưng việc bảo tồn, phục hồi các nghi thức, nghi lễ, lễ hội sao cho không bị “sân khấu hóa” vẫn chưa được chú trọng. Chính vì vậy, bảo tồn văn hóa dân gian của người Ê Đê Bih trước hết phải nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho họ. “Nhà chức trách cần tích cực phổ biến rộng rãi văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng cũng như đầu tư kinh phí để người Ê Đê Bih có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với chính văn hóa của mình”-tiến sĩ nêu quan điểm.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm