Báo xuân

Độc đáo lễ hội đón mừng vua Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mỗi khi Tết đến Xuân về, bà con vùng biển đảo Biện Sơn lại hân hoan về đền Phúc làm lễ hội đón mừng vua Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792). Lễ hội này long trọng tổ chức đón mừng vua Quang Trung, mừng chiến thắng 29 vạn quân Mãn Thanh, tưởng nhớ đến những người có công bảo vệ Tổ quốc, biểu diễn võ thuật cổ truyền, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, đánh cờ người theo nghi lễ dân gian truyền thống. Tuy có những nét văn hóa tương đồng với lễ hội Tây Sơn thượng (An Khê-Gia Lai), Tây Sơn hạ (Bình Định), Ngọc Hồi-Đống Đa (Hà Nội), nhưng lễ hội đón mừng vua Quang Trung ở đền Phúc-vùng biển đảo Biện Sơn-quê hương của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634) có rất nhiều điểm khác biệt độc đáo, hấp dẫn.
 

 Ông Ngô Xuân Bao đứng bên bia Tây Sơn ở đền Phúc, làng Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương-Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Cư
Ông Ngô Xuân Bao đứng bên bia Tây Sơn ở đền Phúc, làng Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương-Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Cư

Đền Phúc tọa lạc trên cửa biển lạch Ghép, thuộc làng Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương-Thanh Hóa). Đền Phúc có nhiều dãy nhà thờ Phật, thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255-1330), Đức Thánh Lưỡng-Thượng tướng Trần Khát Chân (1370-1399), vua Quang Trung... Đặc biệt đền Phúc có tượng Phật và 36 pho tượng La Hán được đúc bằng đồng nguyên chất từ năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) nên nhân dân trong vùng thường gọi đền Phúc là chùa Đồng. Tương truyền trước các cuộc chống giặc ngoại xâm, vua chúa, tướng lĩnh vào đền Phúc dâng hương xin các thần linh phù hộ độ trì cho việc tuyển quân, đánh thắng các gian thần và quân xâm lược. Khi chiến thắng trở về, vua chúa, tướng lĩnh quay lại đền Phúc thành tâm làm lễ tạ ơn các thần linh và mở tiệc khao quân. Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung liền thực hiện theo kế sách của Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm (1746-1803), kéo quân ra phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn (Thanh Hóa) tuyển quân chống quân Mãn Thanh xâm lược. Sau khi chiến thắng 29 vạn quân Mãn Thanh trở về, vua Quang Trung đã cấp sắc trùng tu đền Phúc và sai La Đức Ứng soạn lời văn bia khắc vào bia đá đổi tên chùa Đồng thành đền Phúc. Từ đó đến nay, bà con trong vùng thường gọi chùa Đồng là đền Phúc.

Đền Phúc còn lưu giữ rất nhiều bài vị, sắc phong, đồ tế lễ, hạc thờ, binh khí, trống trận Tây Sơn và bia đá cổ rộng khoảng 1 mét; dài khoảng 2 (tính cả chân), dày hơn 0,3 mét. Trải qua bao vật đổi sao dời, văn bia vẫn mét còn hiện hữu những đường nét chạm hổ phù ngậm chữ Triện thọ và những chữ Hán 2 mặt. Mặt trước có khắc: “Hoàng triều Quang Trung ức vạn niên chi tam tuế, tại Canh Tuất du nguyệt cốc thời. Đông Lĩnh, Thanh Hóa, Ngọc đồng Cư sĩ Đốc học Hàn lâm viện Thanh Khê bá La Đức Ứng tái soạn” (tạm dịch là giờ tốt, tháng Canh Tuất niên hiệu Quang Trung thứ 3. Người soạn lại: La Đức Ứng, tước Thanh Khê bá, chức Đốc học Hàn Lâm viện, hiệu là Ngọc Đồng Cư sĩ người Đông Lĩnh, Thanh Hóa). “Theo gia phả họ La và chính sử thì La Đức Ứng là người xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa và là anh em cọc chèo với vua Quang Trung”-ông Trần Tiến Dũng-người quản lý đền Phúc và bia Tây Sơn khẳng định như vậy.

Lễ tế được tổ chức rất trang nghiêm. Sau phần dâng lễ (thường là cỗ xôi yến tầng, yến sào, sò huyết, ngọc trai, con gà, trầu rượu, vàng hương...), ngũ bái tam khấu đầu (nghi lễ tế vua), đánh 2 hồi trống chuông xin phép các thần linh, vua chúa, tướng lĩnh là vào phần hội. Phần hội thường có những nội dung chính là: thi kể chuyện về việc vua Quang Trung cầu hiền, khuyến học, khuyến ngư; thi biểu diễn võ cổ truyền; thi múa gậy đánh đuổi quân Mãn Thanh; thi bơi thuyền theo kiểu mô phỏng tàu chiến thủy quân Tây Sơn đánh đuổi giặc ngoại xâm... Phần hội có thể kéo dài nhiều ngày liền, phụ thuộc vào từng nội dung và số lượng người tham gia thi. Tuy vậy, phần hội luôn có những nghi lễ truyền thống, sắc phục lộng lẫy rợp trời, chiêng trống thôi thúc, làm náo nhiệt vùng quê sông nước sơn thủy hữu tình. Bởi vậy, lễ hội đón mừng vua Quang Trung đã trở thành niềm tự hào, là một nhu cầu văn hóa tinh thần không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân.

Đền Phúc và bia Tây Sơn được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ ngày 17-1-2003. Từ đó đến nay, bà con trong vùng thường xuyên làm lễ hội đón mừng vua Quang Trung chiến thắng 29 vạn quân Mãn Thanh, múa võ Tây Sơn, hát trống quân Tây Sơn từ mùng 5 Tết. “Năm nay, lễ hội hoành tráng hơn vì bà con được mùa biển, rất nhiều người ở ngoài tỉnh, nhất là ngư dân cửa biển Đề Gi (Bình Định) và cán bộ, công nhân Khu Kinh tế Nghi Sơn đến chung vui. Không chỉ tham gia lễ hội, bà con còn đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng và nhiều công của xây dựng đền thờ vua Quang Trung”-ông Ngô Xuân Bao-Phó ban Quản lý đền Phúc phấn khởi cho biết.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm