Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Độc lạ bộ sưu tập vỏ ốc ở Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt 15 năm qua, thầy giáo Phan Thanh Toại đi dọc các vùng biển cả nước, thu thập hơn 1.000 loại vỏ ốc, sò, nghêu… độc lạ. Ngoài giá trị thẩm mỹ, các loại ốc biển Việt Nam được tìm thấy ở Trường Sa, Hoàng Sa còn phần nào thể hiện chủ quyền của chúng ta đối với các vùng biển đảo này.



Ngày cận Tết Tân sửu, ông Lê Tiến Công – Phó Giám đốc Phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa - phấn khởi thông báo đơn vị đã tiếp nhận, trưng bày một bộ sưu tập rất độc đáo, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn cho khách tham quan khi đến Nhà trưng bày.
 

.

Bộ sưu tập hơn 1.000 loại vỏ ốc tại Đà Nẵng



15 năm tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm các loại ốc

Đó chính là bộ sưu tập hơn 1.000 loài ốc biển của Nhà sưu tầm Phan Thanh Toại (46 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - người đã dành 15 năm tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm các loại ốc dọc vùng biển và cả 2 khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.


 

NST Phan Thanh Toại cùng một loại vỏ ốc hàng trăm năm tuổi



Trao đổi với phóng viên, ông Toại cho biết mình hiện là huấn luyện viên bơi lặn tại Trung tâm Bơi lội Đà Nẵng. Đam mê biển từ nhỏ, ông Toại dần có sở thích tìm hiểu, sưu tầm tất cả những gì liên quan.

"Năm 2005, trong một lần cùng đoàn VĐV bơi lội Đà Nẵng tập huấn tại Trung Quốc, tôi được một người bản xứ tặng cuốn sách có tựa "Ốc Trung Quốc". Đọc sách, tôi thấy có nhiều loại ốc vẫn đang hiện diện tại Việt Nam. Lúc đó, trong đầu tôi nảy lên suy nghĩ "Vì sao Trung Quốc khẳng định đây là ốc của họ, trong khi Việt Nam vẫn có rất nhiều loại ốc tương tự như vậy?". Từ đó, tôi quyết tâm phải tự mình nghiên cứu, sưu tầm bằng được những loại ốc từ vùng biển của quê hương" - ông Phan Thanh Toại bộc bạch.


 

Một vỏ ốc xà cừ còn lưu lại màu sắc gần như nguyên vẹn


Nghĩ là làm, ông Toại bắt đầu hành trình 15 năm sưu tầm ốc biển. Để tìm được những loại ốc biển đặc biệt, độc, lạ, anh đã đi khắp mọi vùng biển trong cả nước để tìm hiểu, đặt mua. Đối với những loại chỉ xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông phải "đặt hàng" các ngư dân thường xuyên ra khơi để đem về cho mình.

"Có rất nhiều loại vỏ ốc quý, có niên đại cao nhưng ngư dân không biết cách khai thác và bảo quản. Bên cạnh việc "đặt mua", tôi còn phải hướng dẫn ngư dân cách bảo quản để vỏ ốc nguyên vẹn nhất. Họ hiểu mình sưu tập với mục đích bảo tồn nên rất ủng hộ" – ông Toại cho hay.
Độc lạ bộ sưu tập vỏ ốc ở Đà Nẵng - Ảnh 4.

 

Bản đồ Việt Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được tái hiện bằng hàng trăm loại vỏ ốc
Đây là thành quả của hơn 15 năm tìm tòi, thu thập của nhà sưu tầm Phan Thanh Toại
Cuối năm 2020, ông Toại đã bàn giao toàn bộ số vỏ ốc cho Nhà trưng bày Hoàng Sa triển lãm, lưu trữ


Khẳng định chủ quyền biển đảo

Theo ông Phan Thanh Toại, hiện nay, vùng biển Việt Nam có khoảng 7.000 đến 10.000 loài ốc biển. Bộ sưu tập của ông Toại hiện nay có hơn 1000 ốc biển, trong đó có 2 hóa thạch ốc Anh Vũ quý hiếm với đặc điểm hình dáng không có sự thay đổi so với tổ tiên có niên đại cách đây 350 đến 400 triệu năm. Ngoài các loại ốc có ở ven biển, ông còn sưu tầm được những loại ốc biển ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như: Ốc Kim Khôi, Anh Vũ, Ốc Mực Giấy, Sò Gai…

Bộ sưu tập của ông Toại còn có loại ốc mực giấy (tên khoa học là Aegonau argo linnaeus) được tìm thấy vào năm 1758. Vỏ có màu trắng, cong mềm mại và nhẹ như giấy, bên trong chứa thân… mực. Theo ông Toại, con ốc mực giấy này thuộc loại quý hiếm và thế giới từng ghi nhận con lớn nhất có kích cỡ 223mm. Trong khi đó, ông đang sở hữu con có kích thước 280mm. Một người nước ngoài ngỏ ý mua lại với giá cao, song ông thẳng thắn từ chối.

 

Vỏ ốc Anh Vũ được mệnh danh là hóa thạch sống thời hiện đại
Vỏ ốc gai hóa thạch đồ sộ thuộc bộ sưu tập của ông Phan Thanh Toại


"Ốc biển được ca tụng chính là linh vật của đại dương. Ốc biển có rất nhiều loại với đặc thù sinh sống cố định ở các vùng biển khác nhau. Với Việt Nam cũng vậy, nếu đã phù hợp với vùng biển, khí hậu, thời tiết của nước ta thì những loại ốc biển khó có thể sinh sống tại khu vực khác. Việc tìm hiểu, sưu tầm ốc tại các vùng biển của Việt Nam trong 15 năm qua của tôi không ngoài lý do nào khác nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của nước nhà" – ông Toại khẳng định.
 

Hai loại vỏ ốc được các nhân chứng Hoàng Sa gửi tặng bộ sưu tập
Hai loại vỏ ốc được các nhân chứng Hoàng Sa gửi tặng bộ sưu tập



TS Lê Tiến Công – Phó Giám đốc Phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa - cho biết bộ sưu tập được trưng bày tại đây sẽ khẳng định thêm sự phong phú của các loài thủy, hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Bộ sưu tập sẽ được triển lãm công phu, sống động để giới thiệu đến rộng rãi người dân, du khách. Qua đó, nâng cao nhận thức, tình yêu của đồng bào trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, giúp cho mọi người có được sự hiểu biết và thêm yêu những loài ốc biển của Việt Nam.

"Du khách tới với Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ thấy được nhiều tư liệu lịch sử về lịch sử chủ quyền mà còn thấy được sự phong phú đa dạng của các loài sinh vật biển và bộ sưu tập vỏ ốc này. Đây là ngư trường truyền thống của người Việt và thể hiện sự khai thác lâu dài bình thường, thể hiện chủ quyền của chúng ta trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa" – ông Công nhấn mạnh.

Một số hình ảnh khác của bộ sưu tập hơn 1.000 loại vỏ ốc:

 

 
 
 
 
 


Theo Quang Luật - Thùy Trang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm