Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đổi mới xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, các phương thức xúc tiến thương mại (XTTM) đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thiết lập kênh phân phối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương.

*P.V: Xin bà cho biết một số kết quả của công tác XTTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
 

 Bà Đào Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Vũ Thảo
Bà Đào Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Vũ Thảo

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, công tác XTTM đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước. Việc triển khai các hoạt động XTTM sẽ giúp cho các thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh được nhiều người biết đến.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và 3 tỉnh Tây Nguyên; tham gia hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”; tổ chức hội chợ triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022…

Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP đến với cộng đồng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ các chủ thể duy trì hoạt động mua bán các sản phẩm OCOP trên sàn www.ocopgialai.vn; hỗ trợ các chủ thể tạo gian hàng và đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo, Lazada, Tiki, Shopee, Voso, Postmart…; xây dựng hệ sinh thái XTTM để kết nối, giao thương, quảng bá, tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường trên không gian mạng. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tuyên truyền các chủ thể OCOP tham gia chuyển đổi số thông qua các chương trình hội chợ trực tuyến, kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP.

Các hoạt động này đã thiết thực hỗ trợ các chủ thể phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng trạng thái bình thường mới trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài. Qua các chương trình, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết với các doanh nghiệp, kết nối thành công một số sản phẩm OCOP vào một số hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn. Ngoài ra, việc duy trì và phát huy điểm bán hàng OCOP cũng góp phần tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh được trưng bày, quảng bá và tiêu thụ.

* P.V: Thưa bà, trong công tác XTTM nội địa, Sở Công thương có những giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động?

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Sở Công thương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tăng cường tiêu thụ nông sản qua các kênh liên kết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “phi truyền thống” như liên kết các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1364/KH-UBND ngày 20-9-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu hàng hóa hàng năm; đẩy mạnh các hoạt động XTTM bằng hình thức trực tuyến để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thiết lập kênh phân phối, tìm đầu ra cho nông sản.

 Các doanh nghiệp Nhật Bản tham quan gian hàng của tỉnh tại Hội chợ triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham quan gian hàng của tỉnh tại Hội chợ triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Vũ Thảo



Thông qua chương trình, doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm để hoàn thiện các tiêu chuẩn cung ứng hàng hóa vào chuỗi hệ thống siêu thị trên toàn quốc và mở rộng chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; lồng ghép triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2020-2025; Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030”. Cùng với đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung, những sản phẩm nằm trong Chương trình OCOP nói riêng, có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp đầu mối nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào hệ thống phân phối trên toàn quốc; đồng thời, hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.

Ngoài ra, quảng bá các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, các vùng chuyên canh, nguyên liệu của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử; cập nhật thường xuyên thông tin thị trường các sản phẩm cùng loại trên sàn giao dịch điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh… Cung cấp thông tin danh sách các doanh nghiệp và hình ảnh những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đăng trên cổng thông tin của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) và website, cổng thông tin điện tử của Sở Công thương. Triển khai các quyết định của UBND tỉnh nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống các cửa hàng, phát triển sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản an toàn.

* P.V: Đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, theo bà, cần đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức thực hiện như thế nào?

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Sở Công thương sẽ tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về những văn bản pháp luật, chính sách mới liên quan đến hoạt động xuất-nhập khẩu; các khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động thương mại, xuất-nhập khẩu nhằm hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Tuyên truyền, phổ biến danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế đến các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động thị trường, mặt hàng xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện XTTM của Bộ Công thương và các đơn vị khác. Triển khai các hoạt động XTTM như hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu, thông tin tuyên truyền, bán hàng trực tuyến... để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do; phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt những thời cơ và thách thức khi hội nhập với quốc tế, cũng như có biện pháp tích cực và chủ động phòng tránh rủi ro để phát triển xuất khẩu. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh... để doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... từ đó khai thác hiệu quả lợi ích của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, RCEP...

Song song đó, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phương pháp tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại, phi truyền thống như: hội chợ triển lãm trực tuyến, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm đối tác trên không gian mạng thông qua việc thuê gian hàng của các sàn lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba... để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu. Cung cấp thông tin thị trường trong nước và ngoài nước cho các doanh nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng phát triển thị trường, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh và bắt kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với những nỗ lực của ngành trong công tác XTTM, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu USD, đạt 90,15% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

 VŨ THẢO (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm