Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Đợi mùa măng le

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...

Gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất này, mỗi khi thời tiết chuyển mùa, tôi lại nhớ những kỷ niệm buồn vui về những năm tháng xưa.

Năm 1977, tôi dạy học ở xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) và được nhà trường phân công giảng dạy ở điểm trường làng Delung. Tại xã Ia Grai, ngoài 3 thôn kinh tế mới người dân Quy Nhơn (Bình Định) lên đây lập nghiệp còn có các làng đồng bào Jrai đã định cư, Delung là làng xa trung tâm nhất. Từ cụm trường chính đi bộ gần 1 giờ lội qua vài con suối nhỏ rồi băng qua một cánh rừng nữa mới đến làng. Ngày ấy, rừng còn khá nhiều cây, chủ yếu là cây lấy gỗ, cả những vạt le, lồ ô mọc trên sườn đồi và ven dòng suối.

Tôi và anh Phú-giáo viên xóa mù chữ ở chung trong một gian chái của lớp học mái lợp tranh, vách thưng nứa nằm giữa làng. Bên trong đặt 2 cái giường đơn rộng 1 m. Gần đó kê 3 viên đá làm bếp, củi thì bà con có sẵn dưới sàn nhà, lâu lâu qua xin một ôm về đun nấu. Thức ăn hàng ngày của chúng tôi chủ yếu là muối sả, cá khô nướng và rau luộc. Song, khi bắt đầu vào mùa mưa, thường là giữa hoặc cuối tháng 4 thì thực đơn phong phú hơn bởi trên nương rẫy của người dân đã có dưa nước, bí đỏ, đọt khoai…

Đặc biệt, những bụi le ven đường và dưới thung, bên suối đã nhú lên những chồi măng. Cứ khoảng cuối tuần, tôi lại cuốc bộ ra trường chính nằm ở trung tâm xã để báo cáo tình hình dạy và học; đồng thời, mua thêm một số hàng thiết yếu như: nước mắm, muối, dầu ăn, cá khô, bột ngọt… Khi về, lần nào cũng vậy, tôi không quên bẻ những đọt măng le khi băng qua suối và ngang qua khoảnh rừng.

Măng le rất thân quen với người dân Tây Nguyên và là một loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn thường ngày. Cứ sau khi mưa xuống, những mầm măng lại từ lòng đất trồi lên. Thời gian này, Nông trường Cà phê Ia Châm vừa mới thành lập. Nông trường cho san ủi lớp thực bì để đào hố trồng cây. Vì vậy, bờ lô cà phê nào cũng ùn đống cây rừng (nhỏ), bụi le… lẫn giữa đất đá. Khô khốc mấy tháng nắng vậy mà chỉ sau vài cơn mưa, những bụi le còn sót lại từ bờ lô đã vươn chồi lên măng.

Những năm ấy, đi dọc tỉnh lộ 664 từ Pleiku vào thị trấn huyện Chư Păh, hai bên đường là những bụi le rậm rạp. Sau này, khi cán bộ, viên chức lập gia đình được chính quyền địa phương cấp đất làm nhà, thường nhà nào cũng dành lại hàng le phía sau hoặc bên hông vườn vừa làm hàng rào vừa thu hoạch măng le ăn trong mùa mưa. Vườn nhà tôi được cấp có bề ngang 25 m, chiều dài cả trăm mét, phía cuối vườn là rừng le chạy dài xuống tận suối.

Cứ mùa mưa, tôi lại ra vườn bẻ những búp măng trồi lên cao chừng hơn tấc, siêng nữa thì đào lấy những chồi nhu nhú, thứ này ăn ngọt và thanh. Tước lớp vỏ ngoài lấm tấm lông tơ, bên trong áo lụa mỏng non xanh trông rất hấp dẫn. Những búp măng le trăng trắng, no tròn, múp míp, luộc xong xắt ra từng miếng mỏng ăn ngon không thể tả. Luộc chấm muối hoặc nước mắm, ngày ấy chỉ là thứ nước mắm đen ngòm ngòm bây giờ không ai dùng, kể cả chỉ để nêm, sang hơn nữa là xào với nấm mối, ngọt lịm.

Bữa ăn thời bao cấp nếu có măng le mỗi người “đánh” cả lon gạo nấu cơm là bình thường. Có người cho rằng, có lẽ vị nó ngon ngọt là do đã thấm đẫm bao nhiêu chất khoáng trong đất bazan sau mấy tháng mùa khô.

Bây giờ, người ta không chỉ luộc mà còn chế biến măng le thành nhiều món ăn đặc sản. Nào là gỏi măng le tươi trộn với đậu phộng rang thêm vào các loại rau thơm; trộn hải sản như mực, bạch tuộc; măng le hầm giò heo; măng le nấu thịt vịt hoặc ngan; măng le xào thịt heo rừng với ớt xiêm… Nghĩa là có đến vài chục món ăn cầu kỳ chế biến từ măng le.

Sau mấy chục năm từ món ăn dân dã quen thuộc hàng ngày, hiện nay, măng le đã trở thành đặc sản bởi người ta phải đi xa và đi nhiều ngày tìm đào măng le. Rừng le cạn kiệt dần, công sức đi hái lại bỏ ra nhiều hơn nên giá cả cũng đội lên cao, vào mùa, mỗi cân măng le lên đến hàng chục ngàn đồng. Đã vậy, người ta còn ngâm muối, khi chế biến phải ngâm xả vậy mà vị măng vẫn mằn mặn, không ngon.

Mỗi lần có dịp lên thị trấn huyện, nhìn hàng phố sầm uất, tôi lại nhớ những rừng le gắn với tuổi thanh xuân của mình năm nào.

Có thể bạn quan tâm