Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đối thoại để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác tiếp dân và đối thoại trực tiếp với người dân được cấp ủy, chính quyền thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 115-QĐ/TU ngày 29-12-2021 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Quy định số 204-QĐ/TU ngày 2-3-2021 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn thị xã.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền thị xã đã đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hàng năm; kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và chỉ đạo cơ quan chức năng chuẩn bị nội dung, điều kiện đảm bảo tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả; quan tâm chỉ đạo các bộ phận giúp việc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp xúc, đối thoại, chú trọng trau dồi kỹ năng trong tiếp xúc, đối thoại.

Trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thị xã đã tổ chức 46 cuộc đối thoại. Cụ thể, Thường trực Thị ủy đã tổ chức 3 hội nghị, trong đó, 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận của 60 thôn, làng, tổ dân phố. Riêng năm 2022, ngay sau khi hoàn thành công tác tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ 2022-2025, Thường trực Thị ủy đã tổ chức hội nghị đối thoại với bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận các thôn, làng, tổ dân phố nhằm kịp thời nắm bắt tình hình các cấp ủy cơ sở sau đại hội. Có 18 ý kiến với 28 nội dung phản ánh tình hình khu dân cư, nhất là những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

 Quang cảnh hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thị ủy An Khê với bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn thị xã. Ảnh: Ngọc Minh
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thị ủy An Khê với bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn thị xã. Ảnh: Ngọc Minh


Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy thị xã đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Thị ủy với cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường học trên địa bàn thị xã (có 81 đại biểu tham dự). Qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy đã chỉ đạo UBND thị xã và các ban, ngành liên quan tham mưu giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến ngành Giáo dục và Đào tạo về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các trường học trên địa bàn; về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác dạy và học...

Thường trực HĐND thị xã đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND thị xã với trẻ em năm 2022 (có 90 người tham dự) và tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực HĐND thị xã với cán bộ, người dân phường Tây Sơn về xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2022 (có 150 người tham dự).

Ủy ban nhân dân thị xã đã tổ chức 10 cuộc đối thoại gồm: 3 cuộc đối thoại trong năm 2021 (140 người tham dự) và 7 cuộc đối thoại trong năm 2022 (499 người tham dự) liên quan đến các nội dung: phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn xã Song An; về vấn đề ô nhiễm môi trường; về nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã.

Ủy ban MTTQ Việt Nam 2 cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức 33 cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân, tập trung vào các nội dung: xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; quy hoạch, xây dựng cơ bản; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và những vấn đề người dân quan tâm.

Bên cạnh công tác tiếp xúc, đối thoại, Thị ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân; trong đó, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Bí thư Thị ủy nghiêm túc thực hiện quy định tiếp công dân hàng tháng của người đứng đầu cấp ủy.

Trong năm 2021, cấp ủy các cấp đã tiếp nhận 30 đơn thư của công dân, giảm 9,1% so với năm 2020; khối chính quyền tiếp nhận 231 đơn thư, giảm 3,3% so với năm 2020. Trong 9 tháng năm 2022, cấp ủy tiếp nhận 10 đơn thư (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021) đã chỉ đạo giải quyết xong 9 đơn, đang giải quyết 1 đơn; khối chính quyền tiếp nhận 178 đơn thư (tăng 10,82% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 54 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, 133 đơn phải giải quyết, trong đó, đã giải quyết xong 105 đơn, đang giải quyết 28 đơn.  

Qua theo dõi, đa số nội dung đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Trong năm 2022, trên địa bàn thị xã có nhiều dự án đầu tư xây dựng gắn với yêu cầu về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, dự lường có thể gây phức tạp tình hình an ninh, phát sinh đơn thư khiếu kiện. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền thị xã đã chỉ đạo hệ thống chính trị các địa phương cùng các cơ quan, ban, ngành có liên quan tích cực, chủ động phối hợp cùng các chủ đầu tư tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, các dự án về cơ bản được triển khai thông suốt, không bị cản trở về mặt tiến độ.

Trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, UBND thị xã đã tiến hành thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã về công tác tiếp công dân; xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện pháp luật về phòng-chống tham nhũng. Sau thanh tra, UBND thị xã đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân và trong công tác phòng-chống tham nhũng; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định về phòng-chống tham nhũng. Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành văn bản chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư tại các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc. Thường trực Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình địa bàn để kịp thời tiếp nhận, giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật những vấn đề tranh chấp, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ cơ sở, không để vụ việc kéo dài, phức tạp, gây bức xúc, từ đó dễ làm phát sinh “điểm nóng” và đơn thư vượt cấp.

Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những bất cập, tồn tại và hạn chế. Cụ thể: Công tác tiếp nhận, phối hợp giải quyết đơn thư của các cơ quan, ban, ngành một số thời điểm còn lúng túng, chưa có sự đồng bộ. Công tác nắm, tổng hợp tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân còn hạn chế; tham mưu giải quyết ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại còn bị động. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại chưa được thực hiện thường xuyên; đánh giá sự hài lòng của người dân sau đối thoại chưa được quan tâm đúng mức. Tại các hội nghị đối thoại, nhiều nội dung ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp xã nhưng chưa được giải quyết, dẫn đến việc đại biểu kiến nghị lên cấp ủy, chính quyền thị xã là chưa hợp lý.

Nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua thực tiễn triển khai tại Đảng bộ thị xã, tôi xin đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với người dân, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để nảy sinh “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp, kéo dài, phát sinh khiếu kiện vượt cấp.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi người đứng đầu cấp ủy trong việc chấp hành quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội nắm bắt tình hình dư luận xã hội để tham mưu, đề xuất cấp ủy lựa chọn nội dung, hình thức tiếp xúc, đối thoại với người dân đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ tư, thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng. Khi tổ chức hội nghị đối thoại cần phải phân công đơn vị chủ trì tham mưu nội dung, chương trình bài bản, khoa học. Tại các buổi tiếp dân, các hội nghị đối thoại, người dân đến tham gia thường mang tâm trạng vừa kỳ vọng, vừa bức xúc, thậm chí là ức chế. Do đó, chủ trì phải khéo léo trong công tác thuyết phục, vận động người dân mạnh dạn thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong tham gia đóng góp ý kiến, nhất là trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự điều hành, quản lý của chính quyền; công tác giám sát của HĐND và MTTQ các cấp.

Thứ năm, thực tế cho thấy, có những mệnh lệnh hành chính, hành chính hóa không hiệu quả. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm; đồng thời, kịp thời đề xuất, biểu dương, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác tiếp dân, đối thoại và giải quyết kiến nghị, đề xuất của người dân.

 

 NGUYỄN XUÂN PHƯỚC
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê

 

Có thể bạn quan tâm