Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đồn Đak Đoa: Chứng tích chiến tranh cần phục dựng, bảo tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xin được bắt đầu bài viết bằng sự chứng kiến của chúng tôi về câu chuyện của 2 người bạn già gặp nhau sau gần 70 năm trên mảnh đất Đak Sơ Mei-quê hương của Anh hùng Wừu huyền thoại vào một ngày tháng 7-2019. Đó là cụ Hồ Miên (tức Pra, Lê Chí Quyết) đã ở tuổi 92 và cụ Pich cũng tròm trèm 100 tuổi. Lúc đầu, họ chưa nhận ra người đối diện. Đã 70 năm rồi còn gì. Nhưng khi nhắc tên nhau, nhắc tới cán bộ Hồ Miên thì 2 ông lão ôm chầm lấy nhau, nói với nhau bằng tiếng Bahnar trong nước mắt về những chuyện mà chỉ họ mới hiểu. Những từ về bok Wừu, về địa danh Đak Đoa được họ nhắc liên tục. Ký ức chung ùa về… Họ là bạn chiến đấu giai đoạn 1949-1954 trên mảnh đất Đak Sơ Mei. 
 Ông Hồ Miên tại chứng tích đồn Đak Đoa. Ảnh: Q.N
Ông Hồ Miên tại chứng tích đồn Đak Đoa. Ảnh: Q.N
Qua chuyện kể của 2 người, chúng tôi mường tượng ra một Hồ Miên-nguyên Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền của Trung đoàn 120, nguyên Bí thư liên xã Bắc Đak Đoa và Nam Đak Đoa (1950-1954), nguyên Bí thư Ban cán sự của huyện Plei Kon (huyện 8, bí danh là huyện Trung), nguyên Phó Bí thư Thường trực tỉnh Đak Lak trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là người đã từng cùng ăn, cùng ở với dân làng, với bok Wừu, cũng đóng khố, căng tai, được bà con tin yêu, gọi bằng cái tên thân mật là Pra, còn cách mạng đặt mật danh là Lê Chí Quyết. Còn cụ Pich, một cựu du kích cùng quê và là bạn chiến đấu của bok Wừu trong những năm kháng chiến chống Pháp. Người trinh sát năm nào đã nhiều lần cải trang vào tận đồn Đak Đoa thám thính. Bọn lính trong đồn khét tiếng tàn nhẫn và độc ác, vơ vét cướp của dân không từ thứ gì. Ông cũng đã 3 lần tham gia dẫn Bí thư xã Hồ Miên đi trinh sát đồn, lập sa bàn trên cát; trực tiếp cùng bộ đội chủ lực đánh đồn. Cả một vùng đã khiếp vía kinh hồn khi nhắc đến du kích xã Nam, xã Bắc Đak Đoa công đồn.
Theo nguyện vọng của 2 cựu binh già, chiều hôm đó, các anh cán bộ xã Đak Sơ Mei đưa chúng tôi đi thăm lại đồn Đak Đoa-chiến trường xưa, nơi đã từng giam giữ, tra tấn bao chiến sĩ cách mạng, trong đó có bok Wừu. Ban đầu, chúng tôi không thể nhận ra đâu là dấu tích của đồn, ngoài tấm biển cắm bên rẫy mì: “Đồn Đak Đoa”. Lần tìm mãi trong rẫy, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được các dấu vết còn lại của đồn như móng nhà, những tảng bê tông, móng lô cốt, gạch ngói… Đứng giữa hoang tích của chiến tranh, bao ký ức của cụ Hồ Miên hiện về. Cụ kể cho chúng tôi nghe và phân tích về vị trí của cả vùng chiến lược Đak Sơ Mei. Theo cụ, huyện Plei Kon (nay là Đak Đoa) trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng. Nằm ở phía Đông Bắc thị xã Pleiku, tiếp giáp với 2 tỉnh lỵ Pleiku và Kon Tum, nằm kẹp giữa 2 con đường chiến lược 19 và 14, nơi này được ví là “áo giáp” chở che cho thị xã Pleiku… Do đó, những năm 1950-1954, đây là địa bàn nóng, tranh chấp gay go, quyết liệt giữa ta và địch. Tuy nhiên, do thất bại nặng nề trên chiến trường Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng nên địch co cụm và phòng thủ, giữ đất, củng cố đồn bốt và chính quyền tay sai hội tề, phát triển gián điệp, gom dân các vùng hẻo lánh về quanh đồn bốt của chúng. Đồn Đak Đoa được Pháp đầu tư xây dựng từ ngày đầu tái chiếm Gia Lai, trở thành đồn tiền tiêu luôn được đầu tư và củng cố. Chúng đưa cả lính Tây Âu tăng cường về, tuyển mộ lính là người dân tộc thiểu số, mở nhiều đợt càn quét, bắt bớ, cướp của, đốt làng, bắt người, tra tấn dã man. Chính bọn sĩ quan và lính đồn Đak Đoa đã 3 lần bắt bok Wừu, đánh đập dã man, cắt tai, chặt tay, khoét mắt hành hạ bok Wừu cho đến chết rồi quẳng xác xuống suối…
Là người từng trực tiếp lãnh đạo và chiến đấu trên địa bàn Đak Đoa, trực tiếp gắn bó với dân làng ở Đak Sơ Mei và cùng bok Wừu đánh đồn Đak Đoa năm nào, sau gần 70 năm trở lại thăm vùng đất thân yêu, người cựu binh già Hồ Miên mang tấm lòng tri ân và số tiền tiết kiệm lương hưu không nhiều về tặng cho công trình “Nhà lưu niệm bok Wừu” đang xây, tặng đôi trăm cho con cháu của bok Wừu, cho bạn chiến đấu năm xưa. Cũng chính khi đứng trên dấu tích sót lại của đồn Đak Đoa, ông nói với những người cùng đi: “Đây là chứng tích của chiến tranh, là chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc, cần bảo tồn để các thế hệ sau luôn hiểu dã tâm của bọn xâm lược”.
Chúng tôi cũng đã mang ý kiến này của ông Hồ Miên trao đổi với lãnh đạo huyện, xã. Các anh cho biết, huyện đã có quy hoạch và đang lập hồ sơ về công nhận đồn Đak Đoa là di tích lịch sử. Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Nếu được lưu giữ, bảo tồn, tại Đak Đoa sẽ hình thành cụm di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có Khu lưu niệm Anh hùng Wừu và chứng tích đồn Đak Đoa. Tin rằng, Đak Đoa sẽ trở thành nơi học tập truyền thống cách mạng và là điểm du lịch tìm về cội nguồn của các thế hệ mai sau.
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm