Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Dòng họ R'Com bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- R’Com là dòng họ hiếu học và giàu bản sắc văn hóa truyền thống ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa. Đặc biệt, hầu hết thành viên trong dòng họ R’Com đều hát dân ca hay và giỏi chơi các nhạc cụ dân tộc.
Dù đã 68 tuổi nhưng ông R’Com Suk vẫn thường xuyên chế tác và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ như: đàn t’rưng, đàn goong… Ông chia sẻ: Từ nhỏ, ông đã được bố và ông nội truyền dạy cho cách thức tổ chức các lễ hội, cách làm cây nêu, đan gùi và các loại nhạc cụ truyền thống. Sau khi lập gia đình, ông tiếp tục truyền lại để thế hệ sau biết cách giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, cả 3 thế hệ trong gia đình ông đều có thể chế tác và chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
Chị R’Com H’Sonh (con gái của ông R’Com Suk) từ nhỏ đã say mê những bài dân ca nhẹ nhàng, sâu lắng do bà nội thể hiện và những âm thanh trầm bổng từ các loại nhạc cụ mà bố mình chế tác. Hiện chị là giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký (huyện Đak Đoa). Với chị, niềm say mê dân ca và các loại nhạc cụ, đặc biệt là đàn t’rưng chưa bao giờ vơi cạn. Những thanh âm trong trẻo, réo rắt ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Bahnar ở làng Piơm này. “Bất kể già, trẻ, gái, trai trong dòng họ R’Com đều biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Nhờ những âm thanh kỳ diệu ấy mà tình cảm gia đình, dòng họ trở nên gắn kết”-chị H’Sonh chia sẻ.
Chị R’Com H’Sonh dạy con gái đánh đàn t'rưng. Ảnh: Đức Thụy
Với mong muốn khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ, năm 2016, chị H’Sonh cùng bố mình đã tập hợp những người họ hàng ở làng Piơm thành lập nhóm nhạc Kaihking (lấy cảm hứng từ ngọn núi Kon Ka Kinh) gồm 20 thành viên. Ông R’Com Suk cùng những người lớn tuổi trực tiếp đứng ra chỉ dạy. Anh R’Com Hrin-thành viên của nhóm nhạc-tâm sự: “Dòng họ mình có truyền thống chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Ngoài tham gia biểu diễn cùng nhóm nhạc, mình vẫn chế tác đàn t’rưng, đàn goong, trống… và truyền nghề cho con cháu. Mình mong muốn lớp trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, không để bị mai một”.
Các thành viên trong nhóm nhạc của dòng họ R’Com đang dần trẻ hóa, phần lớn là học sinh. Đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên lại đến nhà chị H’Sonh để tập luyện. Em R’Com Hạnh (11 tuổi) bày tỏ: “Em rất tự hào về dòng họ của mình. Tất cả mọi người đều biết chơi nhạc cụ và đánh cồng chiêng rất giỏi. Khi được tham gia nhóm nhạc, em vui lắm và ngày càng thấy yêu hơn âm nhạc của dân tộc mình”. Không chỉ R’Com Hạnh mà hầu hết thành viên trong nhóm nhạc đều chơi thuần thục nhiều bài hòa tấu nhạc cụ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc như: lễ bỏ mả, lễ mừng nhà mới… Đặc biệt, nhóm nhạc còn sáng tạo trong cách thể hiện những nhạc phẩm hiện đại trên nền nhạc cụ dân tộc như: “Hello Việt Nam”, “Tây Nguyên chào mặt trời”...
Nhóm nhạc của dòng họ R’Com tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất năm 2022. Ảnh: Trần Dung
Nói về những đóng góp của dòng họ R’Com trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc nhạc cụ truyền thống tại địa phương, bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa-nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn chú trọng đến việc vận động người dân trong mỗi dòng họ lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là có thể hiểu được cách tổ chức nghi lễ, cách chế tác và sử dụng nhạc cụ. Dòng họ R’Com ở làng Piơm là một ví dụ điển hình. Các loại nhạc cụ truyền thống vẫn đang được dòng họ R’Com duy trì, sử dụng không chỉ trong ngày lễ, Tết mà còn trong các buổi giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn văn nghệ. Tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên do Tỉnh Đoàn tổ chức cuối năm 2019, phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát dân ca của nhóm nhạc dòng họ R’Com đã đạt giải ba. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền và vận động thành lập thêm nhóm nhạc trong các dòng họ khác”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm