Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Dự án Hoa Lư-Phù Đổng cần tháo gỡ vướng mắc về giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng vừa được UBND tỉnh Gia Lai cho phép gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2021. Liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc có nên điều chỉnh lại giá đất hay không.

Ngày 24-5-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng. Theo đó, quyết định điều chỉnh thông tin nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (Công ty FBS); điều chỉnh tiến độ dự án về hạ tầng đối với diện tích giao lần 2 (8,6 ha) dự kiến thời gian hoàn thành quý IV-2020; điều chỉnh tiến độ về đầu tư xây dựng hệ thống nhà kinh doanh đối với diện tích giao lần 1 (6,4 ha) dự kiến hoàn thành trong quý IV-2019. Đối với diện tích đất giao lần 2 (8,6 ha), song song với việc triển khai đầu tư hạ tầng sẽ thi công tại các vị trí đã có mặt bằng; các vị trí còn lại gia hạn triển khai đến hết quý III-2021.
Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng chậm hoàn thiện hạ tầng vì vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng diện tích 1,735 ha. Ảnh: S.C
Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng chậm hoàn thiện hạ tầng vì vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng diện tích 1,735 ha. Ảnh: S.C
Xác định lại giá đất để giao cho nhà đầu tư dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng là vấn đề được các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra thảo luận, cân nhắc rất kỹ càng. Bởi vì liên quan đến diện tích đất giao lần 2 cho dự án, còn tới 1,735 ha của 22 hộ dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng với kinh phí ước tính khoảng 116,63 tỷ đồng. Theo quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các cuộc họp liên ngành gần đây, cần xác định lại giá đất cho nhà đầu tư để sát với giá đền bù và giá thị trường hiện nay, bởi điểm c, khoản 1, điều 20 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định: “Trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo nộp tiền sử dụng đất và tổ chức kinh tế chưa nộp hoặc mới tạm nộp một phần tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước thì xử lý như sau: Tiền sử dụng đất đã tạm nộp (nếu có) được quy đổi ra diện tích đất đã nộp tiền sử dụng đất (đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính) tại thời điểm bàn giao đất thực tế. Phần diện tích đất còn lại phải nộp tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm bàn giao thực tế...”. Còn theo điểm b, khoản 1, điều 112 Luật Đất đai 2013 thì việc xác định giá đất phải đảm bảo thời hạn sử dụng đất.
Ông Nguyễn Xuân Trực-Giám đốc Công ty FBS-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Nguyện vọng của nhà đầu tư là được nhận mặt bằng sạch để triển khai dự án kịp tiến độ, đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho mục đích công cộng. Nhà đầu tư có thiện chí nên rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía chính quyền địa phương và người dân”. Liên quan đến việc xác định giá đất, đại diện công ty FBS đề nghị UBND tỉnh xem xét không xác định lại giá đất cụ thể của dự án bởi các chỉ tiêu về quy hoạch, diện tích, mục đích sử dụng đất không thay đổi và tỉnh đã tiến hành xác định lại giá đất một lần vào năm 2016.
Theo thông tin từ Công ty FBS, đến nay, Công ty đã nộp ngân sách nhà nước 339,759 tỷ đồng cho toàn bộ dự án, bao gồm: tiền sử dụng đất 189,101 tỷ đồng; tiền cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 76,373 tỷ đồng; tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác 74,284 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất và thuế Công ty dự kiến sẽ nộp trong thời gian tới khoảng 132 tỷ đồng (bao gồm tiền sử dụng đất 82,233 tỷ đồng và các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính khác).
Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong đợt giao đất lần 2, tổng số tiền sử dụng đất Công ty phải nộp là 219,577 tỷ đồng. Ngày 13-4-2017, Công ty đã nộp vào ngân sách 137,344 tỷ đồng (tương đương với diện tích đất 24.197,41 m2 của đợt giao đất lần thứ 2). Số tiền còn lại mà Công ty dự kiến sẽ nộp là 82,233 tỷ đồng (tương đương với diện tích đất 14.487,91 m2 của đợt giao đất lần thứ 2) do chưa nhận bàn giao mặt bằng và chưa có thông báo của cơ quan Thuế. Cũng theo phân tích của đại diện công ty FBS, diện tích đất kinh doanh công ty này đã đóng tiền nhưng chưa khai thác được là 8.870,41 m2 (đã giải phóng mặt bằng), tương đương với số tiền 50,348 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phần diện tích đất này chưa thể kết nối hạ tầng vì vướng 1,735 ha đất của 22 hộ chưa được giải phóng mặt bằng. Điều này gây khó khăn và thiệt hại cho nhà đầu tư. Mặt khác, việc chậm được bàn giao mặt bằng sạch kéo dài từ năm 2017 đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch khai thác quỹ đất kinh doanh của Công ty.
Tại cuộc họp liên ngành gần đây về việc thực hiện Thông báo số 54/TB-VP ngày 15-5-2019 của UBND tỉnh, sau khi cân nhắc ý kiến từ phía các sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính đã đề nghị UBND TP. Pleiku phối hợp với Công ty FBS căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng phương án bồi thường, tổ chức họp với 22 hộ dân có diện tích đất bồi thường để thống nhất nhằm tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Trên cơ sở đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án để thực hiện. Đồng thời, Sở Tài chính cũng đề nghị Công ty FBS thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh báo cáo số liệu về tổng diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, trong đó có diện tích 1,735 ha đã nộp tiền sử dụng đất hay chưa gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh về thời điểm xác định giá đất giao cho nhà đầu tư và giá đất đền bù giải phóng mặt bằng.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm