Sống trẻ - Sống đẹp

Du lịch trải nghiệm giúp nữ sinh miền núi giành học bổng ở Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phan Thị Thanh Hà (SN 1999), cựu học sinh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh vừa giành được học bổng hơn 6 tỷ đồng từ ĐH Bryn Mawr, Hoa Kỳ.

Chúng tôi gặp Thanh Hà khi em đang chờ thông báo nhập học của trường Đại học Bryn Mawr, Hoa Kỳ gửi về để hoàn thiện một số thủ tục sang học vào tháng 8-2018.

 

Tháng 8-2018, Thanh Hà sẽ sang nhập học tại trường ĐH Bryn Mawr.
Tháng 8-2018, Thanh Hà sẽ sang nhập học tại trường ĐH Bryn Mawr.

Thanh Hà có vóc người nhỏ nhắn nhưng lại có những thành tích học tập đáng nể. Em từng đạt Thủ khoa học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm 2015-2016 và 2016-2017; huy chương bạc IOE tiếng Anh cấp Quốc gia; điểm thi đại học 27,5 khối A1 năm 2017, IELTS 8.0.

Hà chia sẻ, vì học ở một huyện miền núi nên ước mơ đi du học của em khá xa vời. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của gia đình hạn hẹp nên chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ đi du học.

Cho đến hè 2017, sau khi thi đại học xong, Thanh Hà tham gia chương trình IM Venture - một hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc cùng những học sinh và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

“Em biết đến chương trình này từ 2 năm trước nhưng do còn nhỏ nên bố mẹ em không cho tham gia. Năm vừa rồi, em quyết định xin bố mẹ, vì đây là chương trình kết nối giao lưu giữa những học sinh ở Việt Nam và các du học sinh ở nước ngoài. Em nghĩ tham gia sẽ có nhiều kinh nghiệm, có cơ hội mở mang tầm mắt”- em Thanh Hà nói.

 

Thành Hà (bên trái) cùng 1 người bạn khi tham gia chương trình IM-Venture.
Thành Hà (bên trái) cùng 1 người bạn khi tham gia chương trình IM-Venture.

Sau chuyến đi này, đã thôi thúc thôi thúc cô gái từng là cựu học sinh trường làng ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh thử thách bản thân tại một môi trường khác. Từ đó, Hà đã bắt tay vào học để chuẩn bị cho những bài thi chuẩn hóa, tìm hiểu về cách nộp hồ sơ và bắt đầu nộp hồ sơ du học.

Do định hướng du học khá muộn nên thời gian để thi các bài thi chuẩn hóa và chuẩn bị hồ sơ là không nhiều và khá vất vả. Để lọt vào danh sách các trường mà em ứng tuyển thì việc chuẩn bị bài luận chính 650 từ và các bài luận phụ là một trong những yếu tố quan trọng.

“Các trường ở Mỹ khác với các trường ở Châu Âu, họ không xem trọng điểm số, họ rất coi trọng bài luận. Đôi khi có thể bạn giỏi nhưng chưa chắc bạn đã được nhận vì cá tính của bạn không phù hợp với trường. Nên để viết bài luận em cũng mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về bản thân nhiều hơn. Trong quá trình làm bài luận em cũng nhờ các anh chị trong hành trình đưa ra một số câu hỏi để mình trả lời, sau đó tìm được khía cạnh của bản thân mình đưa vào bài luận”- Thanh Hà chia sẻ.

Bài luận chính 650 từ đã thực sự tạo ấn tượng và thuyết phục hội đồng tuyển sinh trường Đại học Bryn Mawr khi Hà đã thể hiện mình là một người cởi mở với những thứ mới lạ, giúp em thích nghi với môi trường xa lạ ở nước ngoài.

“Em nói về những khó khăn ngày đầu khi tham gia chương trình, đó là về giao tiếp, là cảm giác lạc lõng khi cá tính của mọi người khác nhau. Sau đó em nói về những con người trong hành trình ấy đã thay đổi mình như thế nào. Những cử chỉ quan tâm của mọi người, cách mọi người an ủi em khi em thấy cô đơn, mọi người chờ nhau cùng đi, hành trình ấy khiến em nhận ra giá trị của sự kết nối cộng đồng, đồng thời xóa bỏ những định kiến về giới tính, đồng tính”- Thanh Hà kể.

 

Chương trình hành trình xuyên Việt này đã mang đến ước mơ du học của Thanh Hà.
Chương trình hành trình xuyên Việt này đã mang đến ước mơ du học của Thanh Hà.

Chính hành trình xuyên Việt này đã mang đến ước mơ du học và nhận được học bổng trị giá hơn 268.000 USD cho 4 năm, (tương đương hơn 6 tỷ đồng) ở Đại học Bryn Mawr- ngôi trường em yêu thích.

Thanh Hà cho biết, hệ thống trường đại học khai phóng mà em sắp sửa theo học cho phép sinh viên có khoảng 2 năm để học và quyết định chuyên ngành của mình. Hiện em đang phân vân giữa ngành Kinh tế và Toán học. Thanh Hà dự định sẽ đăng kí tham gia nhiều khóa học liên quan đến 2 chuyên ngành này trước khi quyết định.

“Kinh tế là một ngành khá triển vọng nhưng hiện tại về cơ hội việc làm với người học kinh tế khá khó, vì có rất nhiều học. Em nghĩ mình học toán học, toán kinh tế, thống kê thì sau này có thể xin vào ngành tài chính, em mong được làm việc đúng với sở trường và sở thích của mình”- Thanh Hà nói.

Thanh Hà chia sẻ, bí quyết giúp em chinh phục trường đại học Mỹ là hãy có định hướng sớm, chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và luôn phải cố gắng hết sức mình.

Thy Hạt/VOV

Có thể bạn quan tâm