Theo dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến hết tháng 7-2024, toàn tỉnh có 44 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 10 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; 8 di tích quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh.
Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) vừa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đầu năm 2024. Ảnh: Lam Nguyên |
Ngoài những quy định hiện hành về di sản văn hóa của các cơ quan Trung ương, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 22-2-2023 của UBND tỉnh.
Dự thảo yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa nói chung, về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nói riêng và các văn bản liên quan của tỉnh; kịp thời báo cáo những vướng mắc, đề xuất giải pháp theo tình hình thực tiễn của địa phương.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp, hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc, đề xuất của địa phương, báo cáo UBND tỉnh đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.
Cũng theo dự thảo, các sở, ngành, địa phương không được tự ý thay đổi kết cấu các hạng mục thuộc công trình xây dựng, kiến trúc... vốn có của di tích đã được xếp hạng. Đối với các công trình tiêu biểu đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt phải được giữ nguyên trạng, không được tự ý thay đổi, xây mới, bổ sung công năng hoặc bố trí thành trụ sở làm việc. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần dựa trên tư liệu lịch sử, khoa học và tuân thủ chặt chẽ quy định hiện hành về di sản văn hóa.