(GLO)- Những năm qua, huyện Đức Cơ, Gia Lai đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, đội ngũ cán bộ này không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện ngày càng vững mạnh.
Để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, những năm qua, công tác bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hàng năm, huyện ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dựa trên nhu cầu đăng ký của các đơn vị, đồng thời ưu tiên lựa chọn cán bộ nữ, đặc biệt cán bộ nữ DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng. Đây đều là những cán bộ trẻ có năng lực, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và nữ cán bộ, công chức DTTS nói riêng đã phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh.
Nhiều cán bộ nữ người DTTS được đào tạo bồi dưỡng đã đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: V.H |
Ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ: “Chúng tôi luôn xác định đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ nữ DTTS là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Đội ngũ cán bộ này sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
|
Hiện nay, huyện Đức Cơ có 1.313 cán bộ, công chức, viên chức (cấp huyện có 1.103 người, cấp xã có 210 người), trong đó, cán bộ nữ có 724 người, cán bộ nữ DTTS 86 người (chiếm 11,88% cán bộ nữ toàn huyện). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 có 34 đồng chí, trong đó nữ DTTS là 3 đồng chí. Theo ông Nguyễn Hữu Thân-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, huyện đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ và cán bộ nữ DTTS để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu, bộ máy tổ chức; chú trọng xây dựng đội ngũ nữ cán bộ làm khoa học, lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cụ thể, 3 cán bộ nữ DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị. Cùng với đó, trong cấp ủy xã, thị trấn có 10/120 đồng chí là cán bộ nữ DTTS.
Bên cạnh việc bố trí, sắp xếp, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ người DTTS thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng luôn được huyện Đức Cơ chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã ban hành 5 kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS. Theo đó, huyện đã cử 9 người đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, 30 người đi đào tạo trình độ trung cấp. Về lý luận chính trị, huyện cử 4 người đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, 15 người đào tạo trình độ trung cấp và 34 người đào tạo sơ cấp. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên môn theo chức danh cũng được quan tâm. Từ đầu năm đến nay đã có 22 cán bộ nữ DTTS được bồi dưỡng chuyên môn theo chức danh, 25 người được bồi dưỡng về quốc phòng-an ninh và 6 người được bồi dưỡng về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên.
Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS trên địa bàn trong thời gian qua, ông Hoàng Kim Lượng-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện-cho biết thêm: “Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định về việc đào tạo đội ngũ cán bộ trên địa bàn, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp đào tạo về chuyên môn từ trung cấp trở lên đều có các giảng viên từ Trường Chính trị tỉnh, từ các trường đại học về giảng dạy. Đa số cán bộ nữ DTTS được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sau khi trở về đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Bên cạnh đó, huyện Đức Cơ cũng quan tâm thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc cho cán bộ nữ DTTS bằng cách điều động, luân chuyển, bổ nhiệm trên cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận công việc, năng lực chuyên môn, bằng cấp, sở trường của từng người và yêu cầu công việc đặt ra… Điều đó không những giúp cán bộ nữ DTTS phát huy được năng lực, sở trường mà còn được rèn luyện, thử thách, trau dồi trong những môi trường thực tiễn khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
VĨNH HOÀNG