Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Dùng bè vượt suối đi làm rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do cầu treo bị nước lũ cuốn trôi nên người dân làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải dùng bè vượt suối Đak Kroong đi làm rẫy.

Suối Đak Kroong những ngày này cuồn cuộn đục ngầu bởi dòng nước từ khắp nơi đổ về. Từ sáng sớm, hàng trăm người dân làng Hde ra bờ suối để chuẩn bị hành trình vượt con nước dữ. Làng Hde có gần 60 hộ với hơn 200 khẩu thì gần như tất cả đều có nương rẫy ở bên kia suối. Theo thống kê của UBND xã Đak Tơ Ve, dân làng Hde hiện đang canh tác hơn 100 ha đất, chủ yếu trồng mì. Đang vào mùa vụ thu hoạch mì nên dẫu nước lũ lên cao, họ vẫn phải bất chấp nguy hiểm để qua suối Đak Kroong.

 Người dân làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) liều lĩnh vượt suối trên chiếc bè chòng chành. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Người dân làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) liều lĩnh vượt suối trên chiếc bè chòng chành. Ảnh: Lê Văn Ngọc


Ông Dung-Trưởng thôn Hde-cho hay: Suối Đak Kroong mùa nước lớn có lưu vực rộng khoảng 50 m, nhiều đoạn sâu 5-6 m. Cầu treo bắc qua suối đã bị cuốn trôi 2 năm trước. “Chúng tôi có ý định làm lại cầu nhưng 2 bên bờ suối không còn cây to để buộc dây văng chịu lực. Muốn làm phải đổ trụ bê tông kiên cố nhưng không có kinh phí nên chưa thể làm được”-ông Dung chia sẻ.

Hiện tại, dân làng Hde đang phải vượt suối bằng một chiếc bè được làm từ 4 thùng phuy cùng những tấm ván. Chiếc bè được nối bằng sợi dây xích sắt với đoạn dây cáp nối liền 2 bờ. Mỗi lần qua suối, chiếc bè này phải “gồng gánh” 8-10 người nên sợi dây cáp trở nên rất mong manh. Trên chiều dài hàng chục mét, sợi cáp cũng đã xuất hiện những vết buộc tạm bợ do bị đứt. Phải đương đầu với dòng nước chảy xiết, chiếc bè chòng chành, nghiêng ngả đến rợn người mới có thể “cập bến” an toàn. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những lao động chính trong gia đình, dân làng còn đưa cả trẻ nhỏ đi cùng. Tình trạng này không ai dám chắc sẽ không xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Nhiều trẻ em cũng được người lớn đưa lên bè để đi rẫy. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trẻ em cũng được người lớn đưa lên bè để đi rẫy. Ảnh: Lê Văn Ngọc



Chị Huem vẫn chưa hết bàng hoàng vì thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc cách đây hơn 1 tháng. Đó là một buổi sáng khi chị cùng 5 người khác lên bè, kéo cáp vượt suối như mọi ngày. Khi ra đến giữa suối, dây cáp bị đứt làm cho mọi người rơi xuống nước. “May quá khi đó là buổi sáng, dân làng chờ qua suối rất đông nên đã kịp thời nhảy xuống đưa mọi người vào bờ. Hôm ấy, chúng tôi uống no nước, tưởng đã bị cuốn đi rồi. Giờ còn sợ nhưng vẫn phải đi vì nương rẫy ở bên đó cả”-chị Huem cho biết.

Anh Danh bày tỏ: “Nhà tôi có hơn 4 ha rẫy trồng mì và lúa ở bên kia suối, thu nhập dựa cả vào đó. Giờ cầu không có, tôi vẫn phải vượt suối thu hoạch xong rồi cho lên bè đưa về nhà. Khi nông sản đã tập kết mà chiếc bè ở bờ bên kia suối thì phải đợi người giúp kéo sang hoặc tự mình bơi sang để kéo. Mỗi lần như vậy rất mệt, mất công sức và thời gian”.

Trao đổi với P.V, ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-cho biết: Dân làng Hde có thể đi lại trên con đường có cầu kiên cố bắc qua suối nhưng phải di chuyển quãng đường khoảng 10 km, trong khi vượt suối khoảng cách rút ngắn gấp nhiều lần, dù vẫn biết nguy hiểm. “Chúng tôi đã họp dân để cảnh báo không vượt suối khi nước lũ đổ về. Bên cạnh đó, khi qua suối cần mang theo vật nổi để phòng tránh tai nạn xảy ra. Ủy ban nhân dân xã cũng kiến nghị UBND huyện về việc xây dựng cầu treo kiên cố. Bởi đây là vấn đề bức thiết của dân làng, vừa đảm bảo an toàn vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở một làng khó khăn như Hde”-ông Văn thông tin.

 

 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm