Emagazine

Multimedia

Emagazine

Dược liệu "trôi nổi" trên thị trường

E-magazine Dược liệu "trôi nổi" trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Bà Võ Thị Thanh-1 hộ kinh doanh ở Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: Ngày trước, quầy hàng của bà chủ yếu bán các loại thảo dược dùng để xông hơi, tắm gội hoặc các loại lá uống lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Khi thấy nhiều người tìm mua một số loại dược liệu khác thế là bà Thanh bắt đầu nhập về bán. “Vì kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ nên mỗi loại tôi chỉ nhập vài ký, còn những loại đóng gói sẵn bởi các cơ sở sản xuất thì nhập mỗi lần vài gói. Bán hết đến đâu, tôi nhập đến đó. Hàng lấy từ các mối lái nhiều nơi trong tỉnh nên rất tiện và nhanh”-bà Thanh nói.

Tương tự, quầy hàng của bà Võ Thị Mỹ Hoa (đường Ngô Gia Tự, TP. Pleiku) cũng rất đa dạng chủng loại dược liệu. Theo bà Hoa, dược liệu có loại lấy từ các huyện, loại lấy ở các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Bình Định, thậm chí các tỉnh phía Bắc. Hàng đa dạng với giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/kg.

 

Xuất phát từ nhu cầu về dược liệu đang tăng mạnh, không chỉ có cửa hàng, chợ bán dược liệu mà ngay tại điểm bán ở vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (khu vực ngã ba Hoa Lư) luôn có 2-3 người bán các loại dược liệu dùng để ngâm rượu như: sâm dây Ngọc Linh, sâm ba kích, hồng sâm, đông trùng hạ thảo, đinh lăng, nấm linh chi… với giá 150-600 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thúy-một người bán hàng tại đây-cho hay: Hiện tại, bà bán khoảng 20 loại dược liệu khác nhau, nhưng bán chạy nhất là sâm dây Ngọc Linh, sâm ba kích, đinh lăng, còn các loại khác chỉ là bán phụ thêm. Đối với loại sâm dây Ngọc Linh tùy vào kích cỡ củ to hay nhỏ sẽ có giá dao động 150-500 ngàn đồng/kg; nấm linh chi cũng tùy vào kích cỡ, có loại to đẹp giá bán đến 600 ngàn đồng/kg; hay đinh lăng tùy vào độ tuổi và dáng của củ. “Giá này hiện khá thấp so với các cửa hàng bán rượu ngâm đưa ra. Vì không phải trả nhiều chi phí trong kinh doanh nên tôi bán giá rất bình dân. Mỗi loại nhập vào và bán ra giá chỉ chênh nhau có chút ít để giữ mối”-bà Thúy nói.

 

Mặc dù đã chọn kỹ mấy củ sâm được bày bán trên vỉa hè nhưng anh Trần Thanh Tuấn (hẻm 46 Phù Đổng, TP. Pleiku) vẫn phân vân: “Trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về công dụng của loại dược liệu mình định mua, nhưng cũng thấy chưa an tâm. Việc bày bán dược liệu nhiều nơi sẽ giúp người mua dễ dàng tìm được loại cây quý. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu mua phải hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo. Một số loại còn được người bán quảng cáo có đến cả chục công dụng khác nhau nên cũng rất dễ gây nhầm lẫn. Do đó, việc chọn mua dược liệu bồi bổ sức khỏe cũng nên thận trọng”.

 

Về phía ngành chuyên môn, ông Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) chia sẻ: Hiện nay, trên thị trường có 2 nguồn dược liệu là nuôi trồng tại Việt Nam và được nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu là từ Trung Quốc). Do đó, khi sử dụng dược liệu, người tiêu dùng nên chú ý đến 4 yếu tố đó là: hàng phải có nguồn gốc xuất xứ; đảm bảo các yếu tố bảo quản; cách sử dụng; liều dùng. “Người tiêu dùng nên chọn mua dược liệu từ các nhà thuốc, không nên mua hàng trôi nổi. Ngoài ra, nên mua dược liệu đã qua sơ chế, thận trọng khi sử dụng loại chưa được sơ chế. Đồng thời, người dân cũng phải biết cách chọn hàng chất lượng, bởi nếu quá trình bảo quản không tốt dược liệu sẽ bị ẩm mốc, nguy cơ bị biến chất, ảnh hưởng đến sức khỏe”-ông Thắng khuyến cáo.

 

 

Có thể bạn quan tâm