Multimedia

Emagazine

E-magazine Canh cánh nỗi lo mía cháy



Niên vụ 2023-2024, toàn tỉnh có trên 40.000 ha mía. Đến thời điểm này, nhiều diện tích vẫn chưa được thu hoạch. Một số địa phương thu hoạch mía chậm như: Kbang (30%), Đak Pơ (51,6%), Krông Pa (55%). Trong khi đó, Gia Lai đang là cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt nên nỗi lo mía cháy trở nên thường trực.

Huyện Kbang có diện tích mía nhiều nhất tỉnh với hơn 10.260 ha. Đến thời điểm này, huyện mới chỉ thu hoạch được trên 30% diện tích. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ cháy làm thiệt hại hơn 5 ha mía của người dân xã Đông và Tơ Tung.

Anh Trương Văn Tuấn (làng Cao Sơn, xã Tơ Tung) cho biết: Gia đình anh có hơn 4 ha mía (2 ha mía lưu gốc, 2 ha mía trồng mới). Đến thời điểm này vẫn chưa có lịch thu hoạch nên chưa thể thuê nhân công chặt mía. “Với thời tiết nắng nóng thế này, gia đình luôn nơm nớp nỗi lo mía bị cháy. Việc tiêu thụ chậm của nhà máy khiến nông dân chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng, vì mía trổ cờ và khô sẽ giảm sản lượng. Cùng với đó, khi đốn mía chậm, gốc cây lên mầm kém, ảnh hưởng năng suất vụ sau”-anh Tuấn lo lắng.

Gia đình chị Triệu Thị Thúy (cùng làng Cao Sơn) có hơn 2 ha mía nhưng cũng mới chỉ thu hoạch được khoảng 0,6 ha.



Tại huyện Đak Pơ, niên vụ 2023-2024 có 6.125 ha mía. Đến thời điểm này, người dân thu hoạch được 3.158 ha mía, đạt 51,6% so với tổng diện tích, năng suất ước đạt 67,4 tấn/ha. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn có hơn 16,6 ha mía của 28 hộ bị cháy. Nguyên nhân cháy là do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa đốt rác trên ruộng mía đã thu hoạch.

Anh Trần Văn Đông (thôn An Quý, xã Phú An) cho hay: 1,3 ha mía tại làng Kruối Chai (xã Yang Bắc) của gia đình vừa bị cháy. Nguyên nhân là do trong lúc người em đốt rác ở phần ruộng nhà mình, vì không cẩn thận nên để lửa cháy lan sang ruộng mía của gia đình anh.



Theo ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc: Vụ này, người dân trong xã trồng 1.024 ha mía. Đến nay, bà con đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích. Vừa qua, có khoảng 6 ha mía tại làng Kruối Chai bị cháy. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi nhanh chóng kiểm tra, động viên bà con nhanh chóng thu hoạch. Đồng thời, chúng tôi đề nghị Nhà máy Đường An Khê tạo điều kiện tiêu thụ mía sớm cho người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, chỉ sau 1 ngày, toàn bộ diện tích mía bị cháy đã được thu hoạch. “Thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ mía cháy rất cao. Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng lửa cẩn thận, an toàn. Đồng thời, đề cao cảnh giác, thường xuyên thăm đồng và thực hiện các biện pháp phòng-chống cháy mía”-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thông tin.




Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Hiện đang là cao điểm mùa khô nhưng diện tích mía trên địa bàn còn rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bị cháy rất cao. Vì vậy, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn và các phòng ban, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, theo dõi, nắm chắc số liệu diện tích mía chưa thu hoạch; đồng thời, hướng dẫn người dân phải làm đường băng cản lửa khi đốt lá mía để vệ sinh ruộng sau thu hoạch, thông tin cho hộ có diện tích mía liền kề biết để phối hợp và có biện pháp phòng-chống cháy lan. Các xã, thị trấn củng cố các tổ xung kích phòng-chống thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng-chống cháy mía; thường xuyên tuần tra, canh gác, sớm phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy mía. Bên cạnh đó, chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện, sẵn sàng chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Khi xảy ra cháy mía, chính quyền địa phương phải báo ngay cho Nhà máy Đường An Khê để ưu tiên thu hoạch sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.



Còn ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thì cho hay: Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về phòng-chống mía cháy. Việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ theo quy trình, đồng thời thông báo cho UBND các xã, thị trấn để cử cán bộ theo dõi, giám sát, tránh cháy lan. Bà con chỉ nên đốt, dọn rẫy mía vào thời điểm chiều tối, khi trời đã dịu nắng và cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy mía gây ra. Đặc biệt, khi xảy ra cháy mía thì cần huy động ngay lực lượng tại chỗ để ứng phó, kịp thời dập tắt đám cháy, không để lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn cần xây dựng phương án bố trí lực lượng hỗ trợ các hộ có mía bị cháy để thu hoạch diện tích còn lại và phối hợp, làm việc với nhà máy để ưu tiên thu mua ngay cho người dân. Đồng thời, đề nghị Nhà máy Đường An Khê tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thu mua.


Có thể bạn quan tâm