Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đường 250 tỷ tránh Chư Sê sụt lún do thi công không đúng kỹ thuật?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sụt lún mặt đường tránh Chư Sê thuộc về mặt chất lượng công trình do yếu tố chủ quan thi công xây dựng làm không đúng kỹ thuật, không đảm bảo theo đúng thiết kế, khách quan là do mưa lũ gây ra.
Việc hư hỏng sạt, lún nền mặt đường đoạn km10+200 – km10+330 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới sụt lún vẫn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
 
Tuyến đường tránh Chư Sê bị sụt lún.
Trong văn bản Ban quản lý dự án 6 (BQLDA 6) gửi Bộ GTVT vào chiều ngày 11/9 có nêu: Chưa thể khắc phục dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh Chư Sê (Gia Lai) vì mưa và địa chất phức tạp.
Đồng thời, đưa ra lý do tuyến đường đi qua địa hình trước kia là ao nước của người dân dù đã được lấp lại khá lâu (gần 10 năm), bề mặt phía trên bằng phẳng, nhưng phía dưới sâu có thể đã hình thành túi bùn, dẫn tới khi mưa to khối lượng lớn dồn dập đã tạo áp lực khiến nền đất bị lún trôi xuống các túi bùn này, tạo ra nứt gãy thẳng đứng trên bề mặt đường.
Ngoài ra, BQLDA 6 còn đổ lỗi cho cả tư vấn thiết kế khảo sát khi đã để xảy ra tình trạng trên mà phát hiện được. Xuất phát từ lý lẽ này đã khiến nhiều người bày tỏ không đồng tính với lý do “khách quan” này.
Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Chuyên gia giao thông cho biết: “Nguyên nhân dẫn tới sụt lún mặt đường tránh Chư Sê thuộc về mặt chất lượng công trình do yếu tố chủ quan và khách quan”.
“Chủ quan ở đây chính là do thi công xây dựng làm không đúng kỹ thuật, không đảm bảo theo đúng thiết kế, khách quan là do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, bằng bất kỳ yếu tố nào thì lúc thiết kế người ta cũng phải tính toán đến thời tiết và khí hậu”,  GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết.
GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng: “Hiện, Bộ GTVT và các đơn vị đang tiến hành kiểm tra xác minh, nếu do yếu tố khách quan thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Các dự án khi thực hiện đều phải phụ thuộc vào địa hình, địa chất của vùng miền đó để tính đến độ sụt lún của công trình, do đó chẳng có công thức chuẩn nào bắt buộc các dự án phải áp dụng cả”.
Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam phân tích, tình trạng sụt lún đường chủ yếu là do nền đường được làm trên đất yếu, không được xử lý kỹ về lớp móng. Trách nhiệm của bên thi công thì chỉ mang tính chất cục bộ chứ không quá nghiêm trọng như đối với những tuyết đường hư hỏng khác.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục cho rằng, muốn khắc phục con đường này cần phải xem hệ thống thoát nước ở trong khu vực đó thế nào. Rất có thể trước khi làm con đường đó có người khảo sát địa chất nhưng người xử lý lại bỏ qua. Để tìm ra nguyên nhân cụ thể thì vẫn cần điều tra địa chất cụ thể lại để có biện pháp khắc phục cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, để xảy ra sự cố nêu trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Giao thông vận tải, niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị Tư vấn thiết kế (giai đoạn lập BCNCKT và TKBVTC), Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khâu từ công tác khảo sát, thiết kế, quá trình tổ chức chỉ đạo triển khai thi công, quản lý chất lượng đến công tác nghiệm thu công trình hoàn thành,… làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hư hỏng công trình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự cố theo quy định trước ngày 20/9/2019.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án. Trước mắt, thực hiện đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan để tập trung khắc phục xử lý sự cố.
Thế Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm