Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

EU hỗ trợ Gia Lai chuyển đổi xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 21-11, đoàn công tác của Bộ Công thương cùng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình cấp điện nông thôn và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Đặng Hoàng An dẫn đầu với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Kế hoạch; Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ; Văn phòng Bộ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Về phía phái đoàn EU có Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cùng các thành viên. Làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo


Giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã thông tin tới đoàn công tác những nét chính về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2022; tình hình cấp điện nông thôn và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,27%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,39%; công nghiệp-xây dựng chiếm 28,43%; dịch vụ chiếm 39,15%; thuế sản phẩm chiếm 4,02%. GRDP bình quân đầu người đạt 54,75 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng. Hiện nay, ngành công nghiệp đang có mức đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Gia Lai có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển trong các lĩnh vực, đặc biệt là tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Hiện cấp có thẩm quyền đã phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89 MW. Trong đó, có 60 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất 2.330,89 MW (gồm 49 dự án đang vận hành với tổng công suất 2.251,69 MW; 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 21 MW; 9 dự án thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 58,2 MW); 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp, tương đương công suất 630 MW (gồm 2 dự án đang vận hành với tổng công suất 84 MWp; 5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 663 MWp; 2 dự án thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 40 MWp); 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW (gồm 7 dự án điện gió đang vận hành với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117,2 MW, chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại có tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng công suất 50 MW); 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 603 MWp.

Dịp này, đoàn công tác của Bộ Công thương và phái đoàn EU đã đến kiểm tra thực tế tại Nhà máy Thủy điện Ia Ly, Trạm biến áp 500 kV Pleiku và tuyến đường dây 500 kV. Ảnh: Vũ Thảo
Đoàn công tác của Bộ Công thương và phái đoàn EU khảo sát thực tế tại Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng. Ảnh: Vũ Thảo


Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện với nhiều cấp điện áp từ 500 kV đến 0,4 kV nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, đảm bảo công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao. Đồng thời, đảm bảo khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình cấp điện nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 220/220 xã, phường, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100% (trong đó có 182 xã thuộc chương trình nông thôn mới). Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,99%. Hiện trạng lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh gồm hơn 5.107 km đường dây trung áp, 5.157 km đường dây hạ áp, 5.538 trạm biến áp với với tổng dung lượng 1.473.001 kVA. Dự kiến đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 182/182 xã đạt tiêu chí số 4 điện nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số dự án điện nông thôn như: Dự án nâng cao năng lực giảm phát thải trong cung cấp năng lượng điện tỉnh Gia Lai bằng vốn vay KfW giai đoạn 2; Dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới trung áp tỉnh Gia Lai; Dự án cung cấp điện trung tâm huyện tỉnh Gia Lai vốn vay KfW giai đoạn 3; Trạm biến áp phân phối. Trong thời gian tới, Gia Lai tiếp tục triển khai 2 dự án lưới điện nông thôn với tổng vốn đầu tư 1.217 tỷ đồng.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, EU đang tập trung vào chuyển đổi xanh, trong đó có lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. “Bằng những kinh nghiệm của mình, EU sẽ hỗ trợ địa phương cách tiếp cận tổng thể nhất. Chúng tôi rất quan tâm quá trình chuyển đổi này, vì vậy, trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ và ghi nhận những ý kiến đóng góp mở rộng của các đối tác Việt Nam, chúng tôi sẽ có trình tự để giúp địa phương có những bước đi cụ thể, trên cơ sở hợp tác giữa EU và AFD để tiến tới quá trình chuyển đổi xanh”-Đại sứ EU tại Việt Nam khẳng định.

 

Dịp này, đoàn công tác của Bộ Công thương và phái đoàn EU đã đến kiểm tra thực tế tại Nhà máy Thủy điện Ia Ly, Trạm biến áp 500 kV Pleiku và tuyến đường dây 500 kV.

Ghi nhận những bước phát triển của Gia Lai, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao việc thu hút đầu tư và tốc độ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc hoàn thiện hệ thống lưới điện, hoàn thành tiêu chí số 4 điện nông thôn. Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: “Với tiềm năng về điện sinh khối, tôi rất muốn tỉnh quan tâm phát triển điện sinh khối dựa trên việc tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp nhằm hạn chế phát thải, mang lại hiệu quả cao trong phát triển nguồn năng lượng sạch. Riêng Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng, đề nghị tỉnh Gia Lai xem xét, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án giải quyết những khó khăn tồn đọng liên quan đến diện tích rừng phục vụ dự án để đáp ứng kịp thời thời gian hoàn thành dự án theo mục tiêu đề ra”.

 Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định EU sẽ hỗ trợ tỉnh Gia Lai chuyển đổi xanh. Ảnh: Vũ Thảo
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định EU sẽ hỗ trợ tỉnh Gia Lai chuyển đổi xanh. Ảnh: Vũ Thảo


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1275/QĐ-BCT ngày 17-4-2018 của Bộ Công thương. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí vốn triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch Điện VIII theo quy định; xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 15.566 MW. Trong đó, riêng điện gió có 96 dự án với tổng công suất 12.357 MW để tạo điều kiện cho tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cảm ơn những chia sẻ và ý kiến trao đổi của đoàn công tác Bộ Công thương và phái đoàn EU. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo đang được tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm. Về các kiến nghị đối với tỉnh tại buổi làm việc, chúng tôi ghi nhận và sẽ cùng với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chuyên môn sớm tháo gỡ để triển khai thực hiện các kế hoạch đạt hiệu quả hơn ở lĩnh vực này”.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm