Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gánh mắm trưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xóm Cát quê tôi không có sông suối nên vào những ngày hè, trời nóng như thiêu đốt. Trong nhà cứ hầm hập, cái quạt lá kè phẩy đến mỏi tay mà mồ hôi vẫn túa ra nhễ nhại. Dưới giàn trầu, dưới bóng các bụi chuối quanh giếng, đàn gà nằm xụi, há mỏ thở. Tất cả im lìm cho đến khi có tiếng rao: “Mắm hông?”.
Như chỉ chờ có vậy, mấy con chó đang trốn đâu đó tránh nắng, giờ đồng loạt sủa khan, bị chủ rầy la thì ư ử, vẫy đuôi lấy lòng, mũi giật giật đánh hơi người lạ. Bầy gà đang nằm vội chống cánh nhổm dậy, gà cồ mào đỏ gay, xù lông cổ kêu “túc túc”, nhiều chị gà mái a dua “cục tác”, đám gà con nháo nhác “chiêm chiếp” rộn cả lên. Tiếng rao khuấy động cả xóm. Không ai hẹn ai, nhiều người đội nắng đi về phía rặng tre bên đường, quãng giữa xóm.
Những người bán mắm cũng thoăn thoắt quảy gánh đến. Họ gồm 2 phụ nữ và 1 bé gái chừng 14 tuổi, quê đâu dưới miệt biển, đến ở nhờ nhà người quen trong xã, gánh mắm bán dạo, khoảng nửa tháng thì về, một năm nhiều đợt như thế.
Họ thường dạo vào buổi trưa vì lúc đó mới đông người mua. Vừa đến bóng mát, 3 người nghiêng vai nhấc đòn gánh xuống, đưa tay lấy chiếc nón lá, dùng nón quạt cho ráo mồ hôi. Một người vừa quạt vừa ngọt lời mời: “Mua giùm đi bà con ơi! Mắm cơm, mắm mực, mắm tép... Có nước mắm nhỉ nữa nè. Ngon lắm, coi nè”! Rồi 3 người nhanh nhẹn mở nắp giỏ mắm. Một mùi thơm nồng đặc trưng của mắm quyện lên giữa trưa oi ả. Nhiều tiếng hít hà: “Thơm quá!”.
Minh họa: Huyền Trang
Giỏ đựng mắm là “giỏ bầu”, 1 gánh thì gọi là “đôi quang bầu”. Giỏ đan bằng tre, có hình trụ (khác với loại giỏ bầu đựng đồ khô giống hình cái thúng), cao cỡ 4 tấc, đường kính nhỉnh hơn một chút. Mặt đáy được lận vành bằng vòng tre cật, dưới có 2 thanh tre đặt chữ thập dùng làm chân.
Dọc theo thân bầu, từ chân đến mặt trên có 4 nẹp tre đối xứng nhau, tạo nên bộ khung chắc chắn, luồn dây theo đó để gánh. Ở mặt trên, từ vành đan vào khoảng nửa tấc, hơi lum lum, còn lại chừa trống làm miệng, nắp cũng đan bằng tre, vừa khít. Người ta trét kín giỏ bằng cám trộn với dầu rái. Nhờ đó mà mắm không bị chảy nước.
“Chu cha, lời được mấy đồng mà bắt con nhỏ gánh đi cho nắng vầy?”-bà ngoại tôi nhìn cô bé bán mắm và hỏi. Mẹ cô bé đáp: “Dạ, cháu nó nghỉ hè, con dẫn đi cho biết, tập buôn bán luôn thể”. Cô bé lấy cái gáo làm bằng sọ dừa chút xíu, hai tay đưa cho ngoại tôi thử mắm. Bà nếm mắm mực, bảo: “Mực đợt này tươi, nước ngọt, nhưng phải vài hôm nữa mới thiệt ngon”.
Nước mắm có nhiều người thử nhất. Chủ mắm múc mấy giọt cho vào chén sạch, người thử có khi dùng đầu ngón tay út, có lúc dùng đầu chiếc đũa, chấm mắm rồi đưa lên mút, chép chép mấy cái, chững một lúc sau mới nhận xét. Sau khi thử, có người mua, người không. Dù thế nào, người bán vẫn vui vẻ cảm ơn, tiếp tục gánh đôi bầu đi dưới nắng. Tiếng rao của họ đặc quánh giữa trưa.
Ngày nay, cũng còn người bán mắm dạo nhưng không còn gồng gánh mà chở bằng xe máy. Đôi quang bầu được thay bằng hũ hoặc chai nhựa. Mắm được dán tem, đóng nhãn mác hẳn hoi nhưng sao tôi có cảm giác không ngon như đựng trong giỏ bầu hồi trước.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm