Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gặp gỡ Tây Nguyên: Văn chương kết nối tình đất, tình người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Gặp gỡ Tây Nguyên” là chương trình do quán Chiêu Văn tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) trong 2 ngày 4 và 5-3. Điểm nhấn của chương trình là trao giải cuộc thi viết tản văn về chủ đề Tây Nguyên. Tại đây, gần 40 tác giả đến từ các tỉnh, thành trong cả nước có dịp giao lưu, học hỏi, hiểu thêm về đất và người nơi cao nguyên đầy nắng gió này.

Theo nhà văn Trịnh Đình Nghi-người sáng lập diễn đàn quán Chiêu Văn: Quán Chiêu Văn là một diễn đàn văn chương được thành lập trên nền tảng mạng xã hội Facebook, hiện có khoảng gần 45.000 thành viên. Tham gia sinh hoạt tại diễn đàn, bên cạnh những tác giả trẻ, còn có rất nhiều những tên tuổi đã thành danh. Định hướng của quán là tất cả hoạt động văn chương của các thành viên đều phải hướng đến cộng đồng. Hoạt động văn chương trước hết là để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến công chúng. Bên cạnh đó, các thành viên còn chung tay góp sức chia sẻ những khó khăn với cộng đồng. Sau gần 5 năm thành lập, quán Chiêu Văn đã có nhiều hoạt động xã hội đáng ghi nhận mà tiêu biểu là công tác từ thiện. Số tiền các thành viên diễn đàn hỗ trợ để giúp đỡ trẻ em vùng khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… đã lên đến hàng tỷ đồng.

Đại diện Ban tổ chức trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm tiêu biểu về chủ đề Tây Nguyên. Ảnh: Đào An Duyên

Nhà thơ Văn Công Hùng-thành viên quán Chiêu Văn từ những ngày đầu thành lập-bày tỏ: “Tham gia diễn đàn, tôi rất ngạc nhiên về độ phủ sóng của quán Chiêu Văn. Trong gần 45.000 thành viên thì người viết chiếm khoảng một nửa và có rất nhiều nhà văn nổi tiếng. Lạ là, quán hoạt động tự nguyện, đóng góp và bình đẳng, dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng nhưng lại rất thống nhất. Hoạt động online nhưng mỗi năm đều có vài lần offline, có khi toàn thể, có khi nhóm nhỏ theo khu vực”.

Cũng theo nhà văn Trịnh Đình Nghi: Mỗi năm, quán Chiêu Văn có kế hoạch tổ chức khoảng 7-8 cuộc gặp mặt, giao lưu với các thành viên. Những cuộc gặp gỡ không chỉ giúp mọi người gắn kết với nhau hơn mà còn là cơ hội để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác. “Gặp gỡ Tây Nguyên” vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Gần như đã thành thông lệ, trước mỗi lần tổ chức gặp mặt, quán thường tổ chức một cuộc thi nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn để khích lệ tinh thần các thành viên. Và lần này là cuộc thi viết tản văn về chủ đề Tây Nguyên.

Tuy cuộc thi diễn ra chỉ vẻn vẹn đúng 1 tuần (từ ngày 13 đến 20-2-2023), nhưng Ban tổ chức đã nhận gần 150 bài tham gia, trong đó có 43 bài vào vòng chung khảo. Kết quả, Ban tổ chức đã thống nhất trao 11 giải thưởng cho các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả đến từ Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh. Gia Lai có 4 tác phẩm giành giải thưởng gồm: “Và rồi mây gió thênh thang” (Ngô Thanh Vân), “Tinh khôi mùa hoa trắng” (Lê Vi Thủy), “Em không hóa thành sử thi đâu” (Nguyễn Thế Bính), “Mùa của cúc quỳ” (Lê Kim Sơn).

Là thành viên Ban giám khảo, nhà thơ Văn Công Hùng cho biết: “Đây là lần thứ 3, tôi được quán Chiêu Văn mời làm giám khảo các cuộc thi văn học. Hai lần trước là thơ và ký ức chiến tranh, lần này là tản văn. Trên văn đàn hiện nay, tản văn đang được chuộng, nhưng không phải ai cũng tường, cũng thạo. Cũng như thế là cách hiểu, sự nhận thức về Tây Nguyên không phải người viết nào cũng như nhau, cũng hiểu đúng. Lần này, tôi rất mừng trước sự trưởng thành của các cây bút trẻ. Tản văn của họ, ngoài cảm xúc, ngoài vẻ đẹp ngôn từ, câu chữ, còn là sự am hiểu Tây Nguyên khá sâu, chứng tỏ sự đọc, sự đi, sự nghiên cứu kỹ càng của họ. Gia Lai có tới 4 tác giả đạt giải là một tín hiệu vui, đáng mừng”.

Tham gia “Gặp gỡ Tây Nguyên”, gần 40 tác giả có dịp trải nghiệm những địa danh ở Buôn Ma Thuột với những cảm nhận riêng, nhất là những người lần đầu đến Tây Nguyên. Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Với tôi, cuộc gặp gỡ lần này là một niềm vui hội tụ với các bạn văn trên vùng đất Tây Nguyên cũng như các thành viên của quán Chiêu Văn. Văn chương kết nối chúng ta lại, gắn chúng ta với niềm vui và sự thân gần. Cuộc gặp gỡ cũng tạo điều kiện để mọi người hiểu thêm về đất và người Tây Nguyên. Trong bạt ngàn gió hát, tình người vẫn là thứ khiến tôi nhớ nhất về vùng đất này”.

Cảm xúc của nhà văn Tống Phước Bảo cũng giống với suy nghĩ của hầu hết thành viên tham gia buổi gặp gỡ Tây Nguyên, đó là mong ước có thật nhiều tác phẩm viết về đất và người Tây Nguyên, để vùng đất “vừa thật gần vừa xa xôi” này sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Có thể bạn quan tâm