(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng, nhờ đó công tác thu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác thu nợ tiền dịch vụ môi trường rừng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Kết quả thu khả quan
Trong công tác thu-chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho biết: Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 712.477 ha, trong đó diện tích rừng được hưởng DVMTR là 493.579 ha, gồm: 37 chủ rừng là tổ chức nhà nước; 90 tổ chức nhà nước không phải là chủ rừng và 7 cộng đồng dân cư thôn.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong những chủ rừng được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tổng cơ sở sử dụng DVMTR đang quản lý thu là 25 cơ sở với 38 nhà máy thủy điện, nguồn thu bình quân 60 tỷ đồng/năm. Theo kế hoạch năm 2014, tổng số tiền DVMTR phải thu trên 57,4 tỷ đồng (trong đó, thu nội tỉnh. 25,5 tỷ đồng; thu điều phối từ quỹ Trung ương. Hơn 31,9 tỷ đồng). Tính đến thời điểm 23-7, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được hơn 36,4 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch năm 2014.
Tính từ khi mới thành lập (tháng 8-2012) đến cuối năm 2013, tổng số tiền thu từ DVMTR được hơn 133,3 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2013 là 63,7 tỷ đồng, đạt 123,2% so với kê khai thực tế phát sinh và đạt 95,4% so với số đăng ký kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. |
Đối với công tác chi trả, đến thời điểm trước 30-4-2014, sau khi có Quyết định điều chỉnh kế hoạch thu chi tiền DVMTR năm 2013 của UBND tỉnh và kết quả nghiệm thu rừng của Sở Nông nghiệp và PTNT đối với chủ rừng là tổ chức nhà nước, các Hạt Kiểm lâm đối với cộng đồng dân cư thôn, trừ phần diện tích giảm (42.100 ha) so với kế hoạch không được thanh toán tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi thanh toán đủ 100% cho các chủ rừng tổng số tiền hơn 103 tỷ đồng của 3 năm (2011, 2012, 2013). Riêng năm 2014 theo phê duyệt của tỉnh tại Quyết định 95/QĐ-UBND, Quỹ đã thực hiện chi ứng quý I với số tiền 12 tỷ đồng và đang xúc tiến tiếp tục chi ứng quý II cho các chủ rừng với mức ứng là 70% trên số thực thu theo quy định của tỉnh.
Theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, để có được những con số thu-chi khả quan như vậy là cả một quá trình, ngay từ đầu năm Quỹ đã phối hợp tốt với các sở ngành liên quan nhanh chóng đàm phán và ký kết hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng DVMTR để xúc tiến công tác quản lý thu; xác định ranh giới, diện tích rừng trong khu vực của từng nhà máy thủy điện cho đến từng chủ rừng; xác định hệ số k thành phần để quy đổi diện tích chi trả; xúc tiến rà soát rừng của của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, rà soát rừng gắn với công tác xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng của 90 xã và 7 cộng đồng dân cư thôn; tiến hành xây dựng kế hoạch thu chi hàng năm chặt chẽ, đúng quy trình để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Năm 2014 Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được nhận hơn 12 tỷ đồng từ tiền DVMTR. Ảnh: Minh Nguyễn |
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh đó, chia sẻ về một số tồn tại, vướng mắc trong công tác thu nợ tiền DVMTR, ông Hạnh cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay trong việc thu tiền DVMTR năm 2011, 2012 đối với các thủy điện nội tỉnh, Quỹ chỉ thu được tiền đối với các nhà máy thủy điện thực hiện bán theo giá thỏa thuận, còn lại các nhà máy thủy điện được áp dụng biểu giá chi phí tránh được vẫn chưa thu với số tiền lên đến 24,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là tiền DVMTR của các cơ sở thủy điện nội tỉnh (dưới 30 MW) chưa được bên mua điện là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thực hiện chi trả (do năm 2012 trở về trước chưa có cơ cấu tiền DVMTR trong giá thành tiền điện). Do vậy, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương sớm có hướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng Công ty Điện lực miền Trung thực hiện chi trả tiền DVMTR cho các thủy điện nội tỉnh của năm 2011 và 2012.
Ngoài ra, đối với lưu vực sông Kôn (lưu vực liên tỉnh), khi công bố diện tích rừng cung ứng DVMTR của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn A (tỉnh Bình Định) thì vẫn còn thiếu diện tích rừng cung ứng nên UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm xem xét, bổ sung phần thiếu để có cơ sở xác định diện tích rừng trong lưu vực chi trả đến từng chủ rừng, xây dựng phương án chi trả cho các chủ rừng khi thu được tiền. Thêm một khó khăn nữa là, một số cơ sở sử dụng DVMTR không nộp hoặc chậm nộp, cố tình trì hoãn, chây ỳ trong việc nộp tiền trong khi chế tài xử lý chưa đủ mạnh để buộc những đơn vị này thực hiện nghiêm chính sách. Do vậy cần thiết phải có chế định xử phạt hành chính kể cả việc phong tỏa tài khoản giống như trong lĩnh vực thuế, để công tác thu nộp tiền DVMTR có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Minh Nguyễn