(GLO)- Liên quan đến 16 dự án điện gió đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư dọn đường để vận chuyển thiết bị đến công trình, sớm hoàn thành dự án.
Nhiều thiết bị đã đến công trình
Ông Nguyễn Anh Khoa-Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa (thuộc Tập đoàn TRE) cho biết: Dự án điện gió Ia Pết Đak Đoa 1 và Ia Pết Đak Đoa 2 đã đạt tiến độ hoàn thành trên 60%. “Hiện một số thiết bị đã vận chuyển từ Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) về đến công trình và đang tiến hành lắp đặt trụ cột, máy phát tua bin điện gió. Riêng phần cánh quạt đang chờ giấy phép vận chuyển của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phần hạ tầng dự án, chúng tôi đã hoàn thành nên nếu thời tiết không quá cực đoan thì việc lắp đặt các thiết bị sẽ không gặp trở ngại gì. Chúng tôi quyết tâm đến cuối tháng 10 tới sẽ hòa vào lưới điện quốc gia”-ông Khoa khẳng định.
Một số thiết bị điện gió của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai (huyện Chư Prông) đã được vận chuyển đến công trình. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong khi đó, ông Hồ An Bình-Giám đốc Điện lực An Khê thì cho hay: Đến ngày 21-5, đường điện liên quan trên tuyến vận chuyển thiết bị điện gió đã được nâng cao, đảm bảo cho các xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Theo các đơn vị vận chuyển, xe siêu trường, siêu trọng có độ cao khoảng 6,5 m. Do đó, Điện lực An Khê đã tiến hành các giải pháp nâng độ cao đường dây điện đi qua đường giao thông, đảm bảo khoảng cách an toàn để các xe vận chuyển thiết bị điện gió có thể đi qua. “Qua khảo sát thực tế, có 127 vị trí vượt đường trên tuyến quốc lộ 19 từ đèo An Khê đến đèo Mang Yang. Chúng tôi đã lập giải pháp thiết kế, dự toán để nâng độ cao vượt đường đảm bảo theo quy định bao gồm cả đường dây là tài sản của ngành điện, khách hàng và dây chuyên dùng”-ông Bình thông tin.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: Đến nay, có 1.046 vị trí đường điện vượt qua đường giao thông từ thị xã An Khê đến vị trí Dự án điện gió HBRE (huyện Chư Prông) và Dự án điện gió Ia Pết (huyện Đak Đoa) đã được đơn vị lập giải pháp thiết kế, dự toán để nâng độ cao đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định để xe vận chuyển thiết bị điện gió có thể đi qua.
Tiếp tục hoàn tất công tác “dọn đường”
Việc cấp phép vận chuyển thiết bị điện gió trên tuyến quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn tất nhưng vẫn còn một vài dự án đang chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, cấp phép. Theo ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu-Hạ tầng giao thông (Sở Giao thông-Vận tải): Liên quan đến việc xử lý của từng vị trí bị hạn chế cần phải cải tạo (như: mở rộng, cải tạo các nút giao; gia cường các cầu, cống đường bộ; nâng cổng chào, làm đường tránh tại các trạm thu phí BOT…), một số đơn vị vận tải hàng siêu trường siêu trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Đak Lak đã lập phương án vận chuyển và liên hệ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xem xét cấp phép lưu hành. Trong đó, một số vị trí nút giao đường cong không đảm bảo cần được điều chỉnh, cải tạo để thiết bị có thể đi qua thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra chấp thuận phương án; đồng thời, giao Cục Quản lý Đường bộ III chủ trì phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, UBND các huyện kiểm tra các vị trí cần điều chỉnh, cải tạo để thống nhất phương án xử lý.
Nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đưa các thiết bị điện gió đến công trình lắp đặt. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cấp phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng của Dự án điện gió Ia Bang (huyện Chư Prông), Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 (huyện Chư Pưh). Thời gian vận chuyển từ Cảng Quốc tế Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến công trường điện gió Ia Bang, Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 từ ngày 8-6 đến hết ngày hoàn thành vận chuyển thiết bị cho Dự án (dự kiến ngày 30-9-2021). |
Sau khi phương án được thống nhất, các đơn vị vận chuyển thuê tư vấn thiết kế có đủ năng lực lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và được Cục Quản lý Đường bộ III kiểm tra chấp thuận. Cùng với đó, Cục Quản lý Đường bộ III thực hiện kiểm tra nghiệm thu chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để có cơ sở cấp giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển các thiết bị điện gió. Ông Thái cho hay: Đối với việc cấp phép cải tạo các vị trí cần điều chỉnh trên các tuyến đường tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đã cấp phép cho Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai đấu nối tạm thời tại Km 6+950 tỉnh lộ 663; chấp thuận cho phép di dời tạm thời cột Km 0 của tỉnh lộ 663, đồng thời hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai cải tạo một số vị trí trên quốc lộ 19 và đường Trường Sơn Đông để phục vụ vận chuyển thiết bị điện gió.
Đối với các vị trí cần cải tạo, di dời công trình trên các trục đường địa phương do cấp huyện quản lý, các nhà đầu tư đã chủ động liên hệ với địa phương để xử lý. Trưởng phòng Quản lý Kết cấu-Hạ tầng giao thông khẳng định: “Việc cấp giấy phép vận chuyển các thiết bị điện gió là hàng vận chuyển siêu trường, siêu trọng được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra cấp phép. Hiện nay, một số thiết bị điện gió của các dự án trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép và đang tiến hành vận chuyển về triển khai lắp đặt”.
MINH NGUYỄN