Thời sự - Bình luận

Gây họa thì phải bồi thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đề nghị người nhập cảnh trái phép phải đền chi phí y tế cho việc kiểm tra và cách ly, kể cả của những người tiếp xúc để phòng ngừa Covid-19.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới vài ngày trước.

Một kiến nghị xác đáng, hợp lý, sòng phẳng.

Chúng ta đã từng trả giá đắt khi có ca nhập cảnh trái phép mắc Covid-19. Cuối tháng 3-2021, 2 cô gái nhập cảnh từ nước ngoài được xác định dương tính với SARS-Cov-2. Lập tức, các cơ quan chức năng phải truy vết người tiếp xúc qua hàng loạt các tỉnh, thành; cách ly hàng trăm người và xét nghiệm y tế. Nhiều người phải gián đoạn công việc, hệ thống y tế điều động nhân lực, các địa phương huy động lực lượng ngăn chặn… Hãy tưởng tượng cả xã hội phải tốn bao nhiêu sức lực, chi ra bao nhiêu tiền để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ hành vi kém ý thức của 2 người này. Tốn kém như thế nhưng cũng còn may mắn là mầm dịch đã được ngăn chặn thành công, còn nếu lây lan ra cộng đồng thì hậu quả thật khó lường.

Thời gian qua, chúng ta đã thành công vượt mong đợi trong việc khống chế dịch Covid-19. Nhưng nỗi vất vả lớn nhất trong thời gian gần đây chính là chống chọi với những nguy cơ lây nhiễm từ các ca mắc Covid-19 nhập cảnh. Nhập cảnh có kiểm soát thì hệ thống y tế sẽ có phương án ứng phó kịp thời, chữa bệnh cấp bách. Nhưng những người nhập cảnh trái phép, không khai báo, tùy tiện đi lại luôn là những "quả bom nổ chậm" không biết lúc nào có thể bùng nổ.

Hậu quả lớn như thế thì phải buộc những người kém ý thức chịu trách nhiệm. Pháp luật đã có quy định cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự những người làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Vì vậy, không có lý do gì bỏ qua những người nhập cảnh trái phép, gây phức tạp cho công tác phòng chống dịch bệnh mà có thể nhận rõ hậu quả, đo đếm được sự thiệt hại.

Cuộc chiến với dịch Covid-19 thực ra là cuộc chiến trường sức về kinh tế. Ngoài việc gây hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe cho cộng đồng, dịch Covid-19 còn gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe kinh tế của từng gia đình và cả quốc gia. Ngay ở nước ta - quốc gia thành công lớn trong việc ngăn chặn Covid-19 - cũng đã tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ. Hãy tạm hình dung về chi phí lập các bệnh viện dã chiến, xây dựng các khu cách ly, nhập máy móc thiết bị xét nghiệm, điều trị sẽ lớn thế nào. Nhưng thế cũng chưa là gì nếu so với việc lập kế hoạch tổng thể của quốc gia về phục hồi kinh tế, tái tạo việc làm, hỗ trợ người bị ảnh hưởng, dự phòng y tế…

Trong giai đoạn hiện nay, bước kế tiếp là nhanh chóng nhập vắc-xin, nghiên cứu sản xuất vắc-xin để tiến tới tiêm chủng toàn dân. Công việc này cũng cần khoản tiền khá lớn mà cả xã hội đang chung tay thực hiện. Ngay tại TP HCM, ngày 23-4, Ủy ban MTTQ TP HCM phát động chương trình ủng hộ kinh phí mua vắc-xin, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được các đơn vị ủng hộ đến 200 tỉ đồng.

Cuộc chiến với Covid-19 vẫn đang tiếp tục. Chúng ta không cho phép bất cứ ai, vì lý do gì mà làm ảnh hưởng đến công cuộc chống dịch mang tính sinh tử này.

 

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm