Phóng sự - Ký sự

Ghi ở Măng Bút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tinh thần của Chiến thắng Măng Bút 50 năm trước sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ tiếp tục truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.

Tôi trở lại xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum) khi vùng đất này vừa trải qua những ngày sôi nổi chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Măng Bút. Nước mắt, nụ cười cùng nhiều cung bậc cảm xúc đã hòa lẫn vào nhau.

Đang trong mùa mưa, nhưng may mắn làm sao, ngày tôi trở lại Măng Bút lại nắng đẹp. Đường tốt, xe khỏe, chúng tôi theo Tỉnh lộ 676 trực chỉ hướng Măng Bút.

Trên cung đường chạy qua những ngôi làng trù phú, yên bình, tôi luôn tình cờ được nghe những câu chuyện về một thời lửa đạn từ những người dân hiền lành, chân chất. Tất cả đều nói về chiến công mang tên Măng Bút.

Với vị trí chiến lược quan trọng của Măng Bút, Mỹ đã xây dựng tại đây hệ thống cứ điểm quân sự kiên cố, với sân bay có quy mô lớn, cùng hệ thống kho tàng, bệnh viện, trường học; hệ thống lô cốt hầm ngầm, giao thông hào, rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc.

Đường vào Măng Bút. Ảnh: HL

Đường vào Măng Bút. Ảnh: HL

Đóng quân tại Măng Bút, địch vừa có thể công, đánh xuống vùng đồng bằng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, vừa có thể thủ, ngăn ta đánh lên Tây Nguyên. Đến cuối năm 1968, lực lượng địch tại đây đã lên đến 1 tiểu đoàn, luôn có từ 15 -20 cố vấn Mỹ. Đến năm 1972, tại Quận lỵ Măng Bút địch bố trí 1 tiểu đoàn quân chủ lực với gần 400 tên.

Đến tháng 5/1973, địch đã lấn chiếm thêm 2 chốt Tu Bành và Ngọc Ngo. Cuộc đấu tranh giành dân giữ đất giữa ta và địch ở Măng Bút vô cùng quyết liệt, đặc biệt là ở các làng Kô Chắk, Kon Kleng, Tu Bành.

Giữa năm 1974, sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch và ta trên chiến trường Bắc Tây nguyên, Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ Tư lệnh B3 có chủ trương tiến công tiêu diệt địch tại các cứ điểm đóng sâu trong vùng căn cứ của ta, như Măng Đen, Đăk Pet, Măng Bút.

Ngày 11/6/1974, các lực lượng của huyện H16, H19 và bộ đội chủ lực Sư đoàn 10 (Mặt trận Tây nguyên) tiêu diệt các chốt vòng ngoài; bao vây, áp sát vào khu vực Quận lỵ Măng Bút.

Từ ngày 15 – 20/8/1974, ta đồng loạt tấn công vào khu trung tâm ở Măng Bút. 16 giờ ngày 20/8/1974, chi khu Quận lỵ Măng Bút hoàn toàn được giải phóng.

Cùng với chiến thắng Măng Đen, Kon Praih, chiến thắng Măng Bút đã giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Kon Tum; tạo bàn đạp tấn công giải phóng Kon Tum, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau này, ngay trên vùng đất đầy vết tích bom đạn, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh Măng Bút được dựng lên, thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân Kon Tum nói riêng, Quân khu V nói chung.

Xe lướt qua những triền rừng mịt mùng hơi thở thâm u; leo lên những con dốc thăm thẳm, lớp lớp mây mù giăng trên đầu núi; băng qua những rẫy cà phê xứ lạnh xanh tốt, vượt qua những rẫy trồng sâm dây.

Kéo điện lưới về Măng Bút. Ảnh: HL

Kéo điện lưới về Măng Bút. Ảnh: HL

Ngồi trên xe mà tôi nhớ lại chuyến vào Măng Bút cách đây hơn 15 năm. Ngày ấy, con đường mà chúng tôi đang đi đây chưa có hình hài như bây giờ, mà mảnh như sợi chỉ, dốc lên dốc xuống thăm thẳm. Mỗi lần vượt qua hẻm núi, những cơn gió heo hút, lạnh băng xộc ra táp cóng mặt mũi.

Cũng vì cái “rào chắn thiên nhiên” ấy mà nhiều đời nối nhau, người dân Măng Bút cứ nghèo mãi, dù là vùng đất có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp và cây dược liệu.

Thiệt thòi về giao thông kéo theo thiệt thòi đủ thứ. Hạt lúa, hạt bắp, củ mì làm ra chẳng biết mua bán, đổi chác với ai. Muốn tiêu thụ, bà con phải cõng bộ ra tận trung tâm huyện, mấy chục cây số đường rừng, tiền bán được không đủ để ăn đường.

Rồi đến chuyện tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mua bán nông sản làm ra; chuyện học hành của con em, chuyện khám chữa bệnh, chuyện xây dựng đời sống mới.

Dù các thế hệ lãnh đạo ở Măng Bút đều khát khao bứt phá, luôn nỗ lực tìm hướng đi, nhưng rồi lực bất tòng tâm.

Ký ức về những ngày gian khó theo chân chúng tôi về tận trụ sở xã chợt bay biến chỉ sau câu nói ngắn gọn của Phó Chủ tịch UBND xã A Vinh: Măng Bút đổi thay nhiều rồi. Mọi người cứ đi dạo một vòng sẽ thấy.

Tôi cũng đã cảm nhận rất rõ những đổi thay ấy trên đường đi, từ Đăk Lanh, Đăk Y Pai đến Tu Nông, Vang Loa, Măng Búk. Nhà cửa được sửa sang, vườn tược được rào giậu; đường sá sạch sẽ; những vạt cà phê xứ lạnh đang vươn tán trong vườn.

Rõ ràng người dân Măng Bút không còn trông chờ, ỷ lại, mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình; họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm.

Sự đổi thay ấy, không mấy bất ngờ, bắt nguồn từ việc khai thông “rào chắn thiên nhiên”. Năm 2009, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Tỉnh lộ 676 được đầu tư nâng cấp, và niềm khát khao, trông đợi của bao thế hệ người dân Măng Bút thành hiện thực.

Đất và người Măng Bút tràn ngập niềm vui khi có một “cánh tay” lực lưỡng nâng bước vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Rồi tiếp đó là điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư. Núi rừng Măng Bút bừng sáng lên từng ngày.

Từ thế độc canh cây lúa nước, hơn 1.260 hộ đồng bào dân tộc Xơ Đăng của xã giờ đã trồng cà phê, cây dược liệu, phát triển mạnh chăn nuôi. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của người dân Măng Bút năm 2023 đã đạt hơn 34,6 triệu đồng.

Hiện nay, xã đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024. Định hướng phấn đấu đến năm 2030 là khoanh nuôi, bảo tồn chè dây (trồng mới 200.000 cây và khoanh nuôi 20.000 cây); phát triển 142,7ha cà phê chè xứ lạnh; 200ha sâm dây và các loại dược liệu khác; xây dựng cánh đồng gạo đỏ 50ha .

50 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần Chiến thắng Măng Bút sẽ luôn lan tỏa, truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên.

Theo Hồng Lam (baokontum)

Có thể bạn quan tâm