(GLO)- Những năm gần đây bệnh sốt xuất huyết trở thành vấn đề nan giải cho ngành Y tế cả nước nói chung và tỉnh miền núi nghèo như Gia Lai nói riêng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghĩ của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, vấn đề này đã có những chuyển biến hết sức rõ nét.
Từ đầu năm đến thời điểm này, chỉ có hơn 70 ca bệnh sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa bệnh Nhiệt đới Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. So với năm ngoái (hơn một ngàn ca) thì đây là tín hiệu rất đáng ghi nhận, bởi mọi năm, Khoa luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí năm ngoái còn có 2 người chết vì dịch bệnh này.
Còn theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, trong năm 2014, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh là 201 ca, giảm rất nhiều so với con số 1.596 ca cùng kỳ năm 2013.
Một buổi tập huấn nghiệp vụ cho các công tác viên tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Linh |
Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, kết quả này có được là nhờ sự tận tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhân viên, y-bác sĩ, cộng tác viên của Trung tâm và sự quan tâm của các cấp đến công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân-Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm vacxin sinh phẩm Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, nguyên nhân của việc bệnh sốt xuất huyết của tỉnh ta luôn ở mức cao so với cả nước là bởi đặc thù địa bàn rộng lớn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí thấp. Đây là một trong những trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, tại nhiều nơi, để đến được với người dân, cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải lội bộ cả ngày đường, trên lưng còn cõng theo các trang thiết bị lỉnh kỉnh, rất vất vả.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí quá ít ỏi được cấp giảm so với cùng kỳ các năm trước đây.
Cụ thể, năm 2014, Trung tâm được Nhà nước cấp 473 triệu đồng để phân bổ cho 17 huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết.
Chính vì kinh phí ít nên công việc càng trở nên khó khăn. Đơn cử như vấn đề thuê nhân công phun thuốc diệt trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, hiện nhiều địa phương có giá nhân công rất cao, có nơi lên đến 300.000 đồng/công, trong khi dự án chỉ cho phép thanh toán với số tiền 60.000 đồng/công.
Một bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Linh |
Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên Trung tâm không còn cách nào khác là phải đảm nhận luôn nhiệm vụ này. Đó là chưa kể đến, do kinh phí ít nên Trung tâm buộc phải cắt giảm đội ngũ cộng tác viên-một bộ phận quan trọng trong công tác phòng-chống dịch bệnh nên đã khó càng thêm khó.
Trước đây, toàn tỉnh có khoảng 500 cộng tác viên, mỗi người phụ trách khoảng 70 hộ dân nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 100 cộng tác viên bao quát cũng chừng đó dân. Khó khăn là vậy, song con số 201 ca bệnh/1,3 triệu dân và không có trường hợp tử vong trong năm 2014 đã khiến nhiều người thực sự ngỡ ngàng. Kết quả trên đã phản ánh toàn diện những nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên của Trung tâm bởi chỉ tiêu của dự án Phòng-chống bệnh quốc gia giao là 60 bệnh nhân sốt xuất huyết/1.000 dân.
Bác sĩ Xuân thừa nhận, cũng nhờ nhiệt tâm với công việc, trách nhiệm với cộng đồng mà số cộng tác viên trên mới bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bởi hầu như họ làm không công (phụ cấp dành cho họ rất thấp, từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/tháng).
Thành tích đạt được là vậy song điều đó không khiến những người làm trong dự án quốc gia tỏ ra lơ là, chủ quan mà luôn cố gắng không ngừng nghỉ, luôn chủ động trước những biến đổi bất thường của dịch bệnh. Vấn đề này, bác sĩ Xuân chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết có diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng.
Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng rất khó lường trước. Vì vậy, cả cộng đồng phối hợp thực hiện công tác giám sát, phòng-chống bệnh một cách chặt chẽ là hết sức cần thiết, giúp người dân tự bảo vệ mình ở những thời điểm dễ bùng phát dịch.
Về phía Trung tâm, năm nào cũng phải thực hiện hai lần tuyên truyền về vệ sinh môi trường sống nhằm giúp cho người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, vệ sinh ngoại cảnh tiêu diệt loăng quăng hạn chế thấp nhất khả năng bùng phát của dịch bệnh.
Ngọc Linh