Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 23-5, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2018. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo 1 số sở ngành liên quan. 
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết: Tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 trên 3.276 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương trên 1.541 tỷ đồng (cụ thể, vốn cân đối theo tiêu chí do tỉnh quyết định đầu tư hơn 713, 3 tỷ đồng, bố trí cho 64 dự án; vốn phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư 280 tỷ đồng; vốn tiền sử dụng đất, cho thuê đất 427 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết gần 120,8 tỷ đồng, bố trí cho 20 dự án); nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 1.735 tỷ đồng (cụ thể, chương trình người có công 35,55 tỷ đồng; các chương trình mục tiêu 289 tỷ đồng, bố trí cho 23 dự án; Chương trình mục tiêu quốc gia gần 392 tỷ đồng; vốn nước ngoài hơn 425 tỷ đồng, bố trí 6 dự án; vốn trái phiếu Chính phủ 594 tỷ đồng, bố trí cho 68 dự án). 
Nhiều dự án còn chậm triển khai cũng như chưa giải ngân. Ảnh: Q.T
Nhiều dự án còn chậm triển khai cũng như chưa giải ngân. Ảnh: Q.T
Khối lượng thực hiện tính đến ngày 21-5 là trên 365 tỷ đồng, đạt trên 12% kế hoạch; giải ngân được trên 315,7 tỷ đồng, đạt hơn 10,6% kế hoạch và ước đến hết tháng 6 sẽ giải ngân được hơn 1.171 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch. Trong đó, có một số dự án triển khai thực hiện và giải ngân khá chậm, thậm chí chưa giải ngân, cụ thể như Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Dự án kè suối Hội Phú, Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa, Chương trình người có công... 
Theo ông Hồ Phước Thành, mặc dù các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt đối với các dự án ở địa bàn đô thị, nơi tập trung đông dân cư, giá đất cao, nhiều vật kiến trúc kiên cố, kinh phí đền bù lớn. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia (như chương trình 135, xây dựng nông thôn mới) hầu như vận động người dân công hiến không có kinh phí đền bù nên việc giải phóng, đền bù mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc lập dự án còn chậm trễ và kéo dài, mặc dù thủ tục đầu tư được hoàn thiện theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương và chủ đầu tư, song thực tế từ khi triển khai lập dự án, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đến tổ chức thi công, thanh quyết toán… vẫn mất nhiều thời gian. 
Bên cạnh đó, lực lượng tư vấn trên địa bàn còn yếu về chuyên môn, năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nên chất lượng khảo sát, tư vấn lập dự án chưa đảm bảo, nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện; việc chỉ đạo, xử lý của chủ đầu tư đối với các nhà thầu chưa thật kiên quyết, nhất là xử lý các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ; đội ngũ thi công, cán bộ kỹ thuật, máy móc không đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu không kịp thời, thiếu đồng bộ về lập các thủ tục hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn…
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Hoàng đã đề xuất một số kiến nghị đối với đoàn công tác. Ảnh: Q.T
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Hoàng đã đề xuất một số kiến nghị đối với đoàn công tác. Ảnh: Q.T
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị phía đoàn công tác có ý kiến, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn về vốn triển khai Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa, nhất là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng của công trình thủy lợi Ia Mơr (hiện tỉnh đã tạm ứng từ ngân sách địa phương 24/73 tỷ đồng để đền bù cho người dân). Theo ông Hoàng, vấn đề này đã kéo dài hơn 6 tháng nay và tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT rồi nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến. Hiện có nhiều nhà đầu tư đang có ý định đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao khi công trình thủy lợi này đi vào hoạt động, việc không có vốn để triển khai đền bù, giải tỏa mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác sớm thì tỉnh sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư khu vực này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới này cũng như địa phương… 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.T
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.T
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà Gia Lai gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2018. Thứ trưởng đề nghị địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiến độ giải ngân các dự án, nhất là các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương. Địa phương cần chủ động triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bám sát tiến độ giải ngân các dự án để nắm bắt và có hướng khắc phục kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện. 
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận cũng như báo cáo với các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị, đề xuất của địa phương về việc điều chỉnh, bổ sung Luật Đầu tư Công nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện; về vấn đề cho phép địa phương được ứng vốn từ ngân sách địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách trong kế hoạch đầu tư công được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương; bổ sung vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đúng định mức Trung ương…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm