Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai cần lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau khảo sát thực tế tình hình thực hiện dự án tại huyện Chư Pưh, Chư Prông, sáng 28-4, đoàn khảo sát do ông Đinh Văn Nhã-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn tiếp tục có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình quyết toán ngân sách năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, triển khai thực hiện đầu tư công năm 2021, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Quốc hội với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn

Dự buổi làm việc có các ông: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đinh Duy Vượt-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông báo cáo các nội dung liên quan đến quyết toán ngân sách 2019 như: công tác giao dự toán ngân sách, tình hình thực hiện quyết toán, sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương, báo cáo tài chính ngân sách năm 2019…

Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện. Trong năm đã tiết kiệm chi thường xuyên 10% để thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương 225 tỷ đồng. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉnh đã cũng cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020 và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 8 tháng còn lại năm 2020 với tổng kinh phí 102,3 tỷ đồng; tiết kiệm qua đấu thầu mua sắm tập trung là 0,7 tỷ đồng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ có hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm.

Đặc biệt, việc thực hiện Đề án chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công để bưu điện thực hiện đã tiết kiệm khoản kinh phí lớn về đầu tư xây trụ sở làm việc, trang bị cơ sở vật chất; giảm biên chế bố trí tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận 1 cửa; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, đã có 15/17 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình này.

Liên quan đến kết quả thực hiện dự toán năm 2021, tính đến ngày 15-4, số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được 1.643 tỷ đồng, đạt 36,1% dự toán Trung ương giao, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng đã giải ngân hơn 12.556 tỷ đồng, đạt 94,7% kế hoạch vốn phân bổ đối với 424 dự án và 2 chương trình mục tiêu quốc gia. Từ năm 2016 đến nay, có 365 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 16 dự án đang triển khai và 43 dự án thiếu vốn được chuyển tiếp giai đoạn sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở ngành đánh giá, bổ sung một số kết quả cụ thể về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Minh Nguyễn
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyễn


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở ngành đánh giá, bổ sung một số kết quả cụ thể về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, kiến nghị đoàn giám sát có ý kiến để Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư cho tỉnh các dự án vay vốn nước ngoài nhằm tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển; quan tâm đến việc cải thiện hạ tầng giao thông quốc lộ 19; xem xét cấp nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động các công ty lâm nghiệp và phát triển rừng…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh đối với việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ giảm nghèo giảm sâu, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư công không còn nợ xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân đạt cao, nhất là nguồn vốn Trung ương. Trong đó, nhờ bố trí nguồn nội lực tập trung nên tổng số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 2016-2020 đạt đến 86%, công tác quyết toán ngân sách đảm bảo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đề nghị tỉnh cần lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đề nghị tỉnh cần lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Gia Lai cần đánh giá kỹ, lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để bố trí nguồn lực đầu tư sát với từng dự án, tình hình thực tế địa phương; bám sát nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phân bổ nguồn lực đầu tư đảm bảo đúng Luật Ngân sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với công tác giao dự toán ngân sách những năm tới, HĐND tỉnh cần cân nhắc khi giao dự toán thu cao hơn so với Trung ương nhằm đảm bảo nhiệm vụ thu hàng năm luôn đạt kế hoạch. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần ban hành chương trình hành động sớm hơn, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đơn vị để theo dõi, đánh giá.
 

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm