Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, cơ quan Công an khuyến cáo người dân và các cơ quan, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của mình.

Két sắt được xem là nơi an toàn để người dân và cơ quan, doanh nghiệp cất giữ các loại tài sản có giá trị, giấy tờ quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ kẻ gian đột nhập vào nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đập phá két sắt để trộm cắp tài sản. Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ trộm két sắt (tăng 6 vụ so cùng kỳ năm 2017), trong đó có 4 vụ trộm két sắt xảy ra tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

 

Hai đối tượng trộm cắp tài sản bị Công an thị xã Ayun Pa tạm giữ. Ảnh: L.A
Hai đối tượng trộm cắp tài sản bị Công an thị xã Ayun Pa tạm giữ. Ảnh: L.A

Qua phân tích các vụ trộm két sắt xảy ra thời gian qua cho thấy, kẻ gian thường chọn các khoảng thời gian 1-3 giờ, 9-10 giờ và 13-15 giờ để đột nhập trộm cắp. Khi đã đột nhập vào trong, đối tượng thường dùng các dụng cụ như đục, tuốc nơ vít, kìm động lực, vam phá khóa… để đục phá két sắt hoặc mang két sắt đến nơi vắng vẻ rồi đập phá lấy tài sản bên trong. Điển hình như vụ việc xảy ra vào rạng sáng 31-1 tại trụ sở UBND phường Hội Phú (TP. Pleiku), kẻ trộm đột nhập vào các phòng làm việc của bộ phận Thuế, Lao động-Thương binh và Xã hội và phòng tiếp công dân đục phá 3 két sắt lấy đi tổng số tiền hơn 14 triệu đồng.

Ngoài các vụ trộm két sắt, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 202 vụ trộm cắp tài sản khác. Thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp là lợi dụng sơ hở của những gia đình đi làm không có người trông coi nhà cửa, hoặc đêm tối các gia đình ngủ say quên đóng, khóa cửa ra vào, cửa sổ, cửa thông gió để đột nhập gây án. Còn với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đối tượng trộm cắp thường nhắm vào những nơi xa phòng bảo vệ hoặc lợi dụng những đêm mưa gió bảo vệ ngủ say để thực hiện hành vi phạm tội. Cũng có nhiều vụ trộm cắp xảy ra do người dân thiếu tinh thần cảnh giác, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bà con có thói quen mở cửa nhà khi đi vắng, đi ngủ hoặc để xe máy cạnh đường để đi làm rẫy mà không khóa cổ xe; có trường hợp xe để ở nhà nhưng không rút chìa khóa. Khi bị mất cắp tài sản, người dân không trình báo kịp thời nên gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc điều tra.

Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, cho biết: “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng thì người dân và các cơ quan, doanh nghiệp, trường học cần nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản của mình, không nên để nhiều tiền, vàng trong két sắt và để tài sản ở nơi vắng vẻ, không có người trông coi. Bên cạnh đó, các gia đình và đơn vị cần gia cố lại phòng để két, cửa sổ, cửa ra vào, cửa thông gió; lắp hệ thống camera an ninh, chuông báo chống trộm. Đồng thời, cần tập huấn về công tác phòng-chống tội phạm cho lực lượng bảo vệ để nâng cao nghiệp vụ cũng như ý thức cảnh giác khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi, người dân hay bảo vệ các cơ quan cần trình báo ngay cho lực lượng Công an gần nhất để có biện pháp theo dõi, xử lý”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm