Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai cần sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là một trong những nội dung được đồng chí Bùi Văn Thạch-Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ công tác số 5-nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) với Thường trực Tỉnh ủy vào sáng 16-8.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết
Theo báo cáo của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc, trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân; quan tâm đẩy mạnh, phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2017, tỉnh đã hoàn thành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nhà nước theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường, còn lại 2 doanh nghiệp sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay. 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp cũng tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở cung cấp các dịch vụ công ích về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển các ngành nghề kinh doanh khác.
  Đồng chí Bùi Văn Thạch-Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cùng đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).  Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Bùi Văn Thạch-Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cùng đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Ảnh: Đức Thụy
Sau 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết, tỉnh đã có 678 doanh nghiệp được thành lập mới với vốn đăng ký 3.613 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên toàn tỉnh lên 4.465 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 3.410 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 75.000 lao động; thành lập mới 77 hợp tác xã, nâng số hợp tác xã toàn tỉnh hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 lên 165 hợp tác xã với 16.048 thành viên, giải quyết việc làm cho 1.650 lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có 719 tổ hợp tác và khoảng 30.150 hộ kinh doanh cá thể; 667 trang trại với doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo để cải thiện; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai hiệu quả; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, tăng 3 bậc so với năm 2016.
“Phải xem đầu tư tư nhân là quan trọng nhất”
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành đã tập trung trao đổi, nêu ý kiến về một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) trên địa bàn tỉnh như: việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo tiến độ; 100% doanh nghiệp ở Gia Lai có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều; trình độ phát triển của các loại thị trường còn thấp và yếu…
Các cơ quan, ban ngành của tỉnh tham gia góp ý. Ảnh: Đức Thụy
Các cơ quan, ban ngành của tỉnh tham gia góp ý. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết: Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thành lập đoàn giám sát của tỉnh nhằm giám sát thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) trên địa bàn; nghiên cứu tổ chức học tập, tuyên truyền Nghị quyết trực tuyến đến cấp xã và từng chi bộ; họp bàn biên soạn ngắn gọn các nghị quyết để tuyên truyền cho chủ các doanh nghiệp tư nhân không phải là đảng viên…

Mặt khác, vẫn còn một số luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện gây khó khăn khi triển khai ở địa phương.
Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-nêu thực trạng: “Ở Gia Lai, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chủ yếu là đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp. Cát xây dựng chủ yếu tích tụ ở các suối nhỏ theo mùa, trữ lượng ít, không tập trung; đất san lấp cũng phân tán, khối lượng nhỏ, rất khó đưa vào quy hoạch khoáng sản để cấp phép theo quy định. Vì thế, tình trạng khai thác đất, cát trái phép vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý”.
Do đó, ông Bình đề nghị Trung ương xem xét việc cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường đối với một số loại đất san lấp khối lượng nhỏ, cát tích tụ ở suối nhỏ theo mùa… theo hướng đơn giản hóa, có thể không phải thăm dò, đánh giá trữ lượng mà chỉ đăng ký khối lượng khai thác để quản lý, cấp phép và tính tiền cấp quyền khai thác. 
Bà Dương Thị Ngà-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-phản ánh: Hiện nay, khung pháp lý về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn khá hạn chế; quỹ phát triển khoa học-công nghệ của doanh nghiệp khó giải ngân; quy định về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư còn có sự chồng chéo nên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có thông tư hướng dẫn chung để địa phương dễ triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư được thuận lợi và đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng yêu cầu tỉnh cần năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết; phải xem đầu tư tư nhân là quan trọng nhất chứ không phải đầu tư công; cải thiện thật nhanh môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng môi trường thông thoáng từ cơ sở đi lên, tránh tình trạng “trên thông-dưới tắc”; đẩy mạnh tính tự quản tối đa trong nhân dân.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm