Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Cảnh giác với hiện tượng thời tiết cực đoan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa, rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: tố lốc, giông sét… ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 22-5, trên địa bàn huyện Đức Cơ đã xảy ra trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy. Dù không gây thiệt hại về người nhưng trận mưa đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của người dân trên địa bàn. Tổng thiệt hại ước tính trên 3,8 tỷ đồng.

 

Mưa lớn quật ngã cây long não trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Pleiku. Ảnh: L.H
Mưa lớn quật ngã cây long não trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Pleiku. Ảnh: L.H

Trước đó, vào ngày 19-5, một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy cục bộ đã xảy ra tại khu vực thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) quật ngã đổ nhiều cây xanh tại một số tuyến đường trung tâm thị trấn, làm hư hại nhiều nhà cửa và một số công trình hạ tầng. Tại huyện biên giới Chư Prông, ngay từ những ngày đầu tháng 3, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm sập 1 ngôi nhà, tốc mái và hư hại gần 70 ngôi nhà khác.

Nghiêm trọng hơn, ngày 27-5, trong cơn giông, sét đã đánh chết 2 ông cháu khi đang chăn bò gần khu nghĩa địa làng Ơi Briu 2 (xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Nạn nhân là ông Nay Yuen (60 tuổi) và cháu Nay Tân (12 tuổi). Vụ việc khiến nhiều người lo sợ bởi tại vùng này lâu nay ít xảy ra trường hợp tương tự.

Ông Phạm Vũ Tuấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết: Khu vực tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa mưa với biểu hiện thời tiết đặc trưng là ngày nắng nóng, đêm có mưa rào và giông. So với trung bình nhiều năm, mùa mưa năm nay đến sớm hơn. Trong đó, các tỉnh Nam Tây Nguyên (Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng) mùa mưa đến sớm hơn 7-15 ngày so với các tỉnh Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai). Tại Gia Lai, mùa mưa bắt đầu rõ rệt khoảng từ đầu tháng 5. Dự kiến, mùa mưa sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đối với các tỉnh Nam Tây Nguyên và đầu tháng 11 đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên.

Ông Tuấn cho biết thêm: Theo dõi hình ảnh mây qua vệ tinh những ngày qua, chúng tôi nhận thấy có nhiều luồng mây đối lưu hoạt động mạnh. Đây là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông lốc, mưa đá, sét … có thể gây thiệt hại về tài sản, hoa màu và thậm chí đe dọa đến tính mạng của người dân. Do đó, các địa phương và người dân cần chủ động theo dõi sát sao tình hình dự báo thời tiết để có phương án, kế hoạch chủ động ứng phó trước các diễn biến bất thường của thời tiết. “Giai đoạn giao mùa (từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11), tại Tây Nguyên rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, các cơn mưa trong giai đoạn này thường xuất hiện ngắn hơn nhưng với cường độ lớn, nước không thoát kịp dễ gây ra hiện tượng lũ quét. Ngoài ra, sau thời gian nắng nóng, những đám mây đối lưu nằm cách mặt đất 400-500 m sẽ tích tụ điện tích lớn, dễ gây nên hiện tượng sét hoặc khi phát triển đến mức độ bão hòa sẽ xảy ra hiện tượng mưa đá. Các hiện tượng này đều để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với người và tài sản”-ông Tuấn nhận định.

Mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều cũng khiến người dân vùng hạ lưu các công trình thủy điện lo lắng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện tại mực nước tại các công trình thủy điện, thủy lợi vẫn đang trong ngưỡng an toàn. Các đơn vị như: Thủy điện Ia Ly, Thủy điện An Khê-Ka Nak, Thủy điện Sê San 4A… đều có sự hợp tác với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên trong việc theo dõi lưu lượng nước về hồ để điều tiết nguồn nước hợp lý.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm