Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai chủ động đón 1.000 công dân trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 19-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh để nghe báo cáo tình hình, diễn biến và giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ động, thần tốc, kịp thời

Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo-cho biết: Đến 17 giờ ngày 19-7, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 4/17 huyện, thị xã, thành phố. Hiện tại, 12 trường hợp đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong đó có 9 trường hợp là công dân đi về từ các địa phương có dịch, riêng 6 trường hợp phát hiện tại cộng đồng thuộc huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo đã triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch. Cùng với công tác rà soát, truy vết, tỉnh đã thiết lập, duy trì 4 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ của tỉnh và 20 chốt kiểm soát tại các địa phương. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt các tuyến biên giới, nhất là các đường mòn lối mở; thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly các đối tượng nhập cảnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh


Nhìn chung, các địa phương đã chủ động hơn trong công tác phòng-chống dịch bệnh; kịp thời triển khai các biện pháp cấp bách khi phát hiện ca dương tính mới theo phương châm “Khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm, cách ly kịp thời”. Các địa phương đã thực hiện tốt phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; không để dịch lây lan trên diện rộng; đảm bảo an sinh vùng phong tỏa; tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu và các hoạt động tập trung đông người, các nghi lễ tôn giáo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Chủ động đón công dân về Gia Lai

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu ý kiến về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên thông tin: Sở đang phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp danh sách người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cùng với đó, Sở cũng đã dự thảo quyết định của UBND tỉnh về các tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tỉnh cần chủ động đón tiếp người dân từ vùng dịch, tránh tình trạng người dân “chạy loạn”, gây khó khăn cho công tác phòng-chống dịch. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Hiện có hơn 35.000 công dân Gia Lai ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có gần 21.000 người. Theo khảo sát, có gần 7.000 trường hợp có nguyện vọng về Gia Lai. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng dự kiến các đối tượng sẽ được ưu tiên đón về đợt 1 gồm: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hiểm nghèo, lao động tự do là hộ nghèo, dân tộc thiểu số… với số lượng 1.000 công dân.

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đón công dân Gia Lai có hoàn cảnh khó khăn, cấp bách về tỉnh. Ảnh: Phương Linh
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đón công dân Gia Lai có hoàn cảnh khó khăn, cấp bách về tỉnh. Ảnh: Phương Linh


Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị cần nâng cao cảnh giác hơn tại các chốt kiểm soát của tỉnh, huyện, xã; phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện làm việc cho các chốt chặn; bố trí đầy đủ, tăng cường nhân lực cho các chốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đón công dân Gia Lai có hoàn cảnh khó khăn, cấp bách đang sinh sống, học tập, lao động ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương về tỉnh với số lượng 1.000 người bằng phương tiện máy bay hoặc ô tô, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị công dân cần trung thực trong khai báo y tế, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng-chống dịch bệnh, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chịu trách nhiệm nắm thông tin và tham gia chỉ đạo đối với các địa phương được phân công theo dõi. Các đơn vị, địa phương rà soát trang-thiết bị, vật tư, đảm bảo chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia phòng-chống dịch và lực lượng y tế.

Lực lượng chức năng giám sát y tế người về từ vùng dịch. Ảnh: Văn Ngọc
Lực lượng chức năng giám sát y tế người về từ vùng dịch. Ảnh: Văn Ngọc


Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị người dân bình tĩnh, cảnh giác, tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng-chống dịch, nghe các thông tin chính thống từ Ban Chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, thực hiện nghiêm thông điệp 5K+vắc xin của Bộ Y tế.
 

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm