Gia Lai: Chủ động phòng-chống dịch sởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Cục Y tế Dự phòng, tình hình bệnh sởi hiện diễn biến phức tạp vì đang nằm trong chu kỳ dịch (với chu kỳ từ ba đến bốn năm xuất hiện một lần tại Việt Nam). Tính đến nay, dịch sởi đã lan rộng tại 24 tỉnh, thành phố có dịch. Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận ca bệnh sởi nào nhưng theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thì chủ động phòng-chống dịch là việc cần làm ngay.

Ông Nguyễn Huy Dương-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Trong năm 2013, tại tỉnh có 21 ca nghi ngờ mắc sởi. Tuy nhiên sau khi lấy mẫu xét nghiệm thì kết quả âm tính. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc sởi nào. Tuy vậy, công tác phòng-chống dịch luôn  chủ động và triển khai chặt chẽ.

 

Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Ảnh: Như Nguyện
Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Ảnh: Như Nguyện

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã có công văn gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các bệnh viện về tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh sởi. Trong đó, các đơn vị rà soát tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin của các cháu trong diện tiêm chủng mở rộng nói chung, vắc xin sởi nói riêng, các cháu dưới 1 tuổi tiêm vắc xin sởi mũi 1 và các cháu 18 tháng tiêm nhắc sởi mũi 2; chỉ đạo ngay cho các xã, phường sau khi rà soát lại có tỷ lệ tiêm chủng thấp triển khai tiêm sớm, tiêm vét để đạt được miễn dịch và độ bao phủ vắc xin sởi cao trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường các biện pháp giám sát chủ động, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở điều trị, theo dõi các trường hợp đi về trong vùng dịch sởi mà có các triệu chứng sốt, phát ban… để kịp thời ghi nhận các diễn tiến của bệnh dịch sởi nhằm phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; chuẩn bị tốt khu vực cách ly điều trị. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng được đẩy mạnh, cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh sởi đến người dân để cộng đồng trách nhiệm trong việc phòng-chống dịch bệnh…

Theo bác sĩ Dương, mặc dù chưa ghi nhận ca tai biến nào liên quan đến vắc xin Quinvaxem (thường gọi 5 trong 1) trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhưng nhiều người dân quá lo ngại về phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem dẫn đến việc nhiều người ngại không đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh bao gồm cả vắc-xin sởi. Chính điều này làm cho tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2013 chỉ đạt 83,9% (năm 2012 đạt 97,7%).

Việc bỏ tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị mắc bệnh sởi. Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh  hiệu quả nhất trong đó có bệnh sởi. Đối với sởi, nếu trẻ được tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ lên tới 95%. Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ 1 đến 2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì. Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh cho con em mình bằng biện pháp thiết thực nhất là đưa các em trong độ tuổi tiêm phòng đến các điểm tiêm chủng để được tiêm đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trên thực tế, quy trình tiêm chủng tại tỉnh được triển khai chặt chẽ. Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đã lập danh sách tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh (kể cả các điểm tiêm chủng dịch vụ) và đã tiến hành thanh-kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng đều đạt yêu cầu để tổ chức tiêm chủng an toàn, mới tổ chức tiêm chủng.

Như Nguyện

Sởi là bệnh truyền nhiễm cao gây nên do siêu vi, rất dễ lây nên dễ bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng ngừa. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc do dùng chung thức ăn, nước uống với người bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo: Siêu vi gây bệnh sởi cũng có thể phát tán trong không khí, nên nếu tiếp xúc gần người bệnh, cho dù người này không ho, không hắt hơi, cũng có thể bị lây bệnh.

Đối với trẻ em hoặc người có đề kháng kém, chưa có miễn dịch với sởi thì khi mắc bệnh rất dễ bị các biến chứng như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban và kèm theo ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị…

Có thể bạn quan tâm