Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Chủ động phòng ngừa bệnh tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến thời điểm này, bệnh tả heo châu Phi chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp vẫn đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh này xâm nhập vào tỉnh.
Theo số liệu của Cục Thú y, đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định. Tổng số heo mắc bệnh và bị tiêu hủy hơn 14 ngàn con. Chính phủ đã phê duyệt mức hỗ trợ đối với heo bị bệnh dịch là 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với heo nái, heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Mức hỗ trợ này không chỉ áp dụng đối với heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi mà cả với heo bị bệnh lở mồm long móng, tai xanh.
  Tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ổn định. Ảnh: L.N
Tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ổn định. Ảnh: L.N
Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 446 ngàn con của 123 trang trại và hơn 47 ngàn hộ chăn nuôi. Trước diễn biến phức tạp của bệnh tả heo châu Phi, thời gian qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm theo chỉ đạo tại Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30-8-2018 và Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 1-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến ngày 28-2-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh. Ngày 4-3, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi; thành lập Ban chỉ đạo và đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm từ heo, thức ăn gia súc trên địa bàn. Trước mắt, UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa và Thể thao, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và biết cách phòng tránh dịch bệnh. Huyện cũng đang tiến hành phun tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2019 tại tất cả các hộ chăn nuôi, khu giết mổ tập trung, chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh cũng gặp khó khăn bởi đa phần người dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen chăn nuôi theo hình thức thả rông.  
Tại các trạm đầu mối giao thông của tỉnh, lực lượng Quản lý Thị trường, Công an đã phối hợp bố trí trực kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh. Ông Thái Văn Dũng-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Song An (thị xã An Khê) cho biết: “Mỗi ngày có 4-5 lượt phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh Bình Định vào tỉnh. Từ khi nước ta xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, Trạm đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Quản lý Thị trường bố trí cán bộ đảm bảo trực 24/24 giờ. Tất cả phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua trạm đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giấy chứng nhận đảm bảo về thú y, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được phun hóa chất tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động người dân và các thương lái thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy trình kiểm dịch động vật, các biện pháp phòng-chống dịch. Chúng tôi quyết tâm không để bất kỳ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm nào chưa được kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng vào địa bàn tỉnh”.
Còn tại Trạm Kiểm dịch động vật Chư Ngọc (huyện Krông Pa), theo Trạm trưởng Nguyễn Thái Duy, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ và tăng cường công tác kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào tỉnh. Các phương tiện này đều được phun tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh xâm nhiễm.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ổn định. Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, chưa xảy ra dịch bệnh. Hiện các địa phương đã sử dụng 1.435 lít hóa chất Benkocid và Biocid để tổ chức phun tiêu độc khử trùng khoảng 2,5 triệu m2 tại các điểm chăn nuôi, khu vực giết mổ tập trung và các chợ. Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền các xã, thị trấn, cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra, thường xuyên bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh; chỉ đạo các trạm đầu mối giao thông tổ chức nghiêm việc trực 24/24 giờ và phun hóa chất tiêu độc khử trùng tất cả phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh; tập trung tuyên truyền người dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh; không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi).
“Tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Tuy nhiên, bệnh chỉ lây nhiễm trên loài heo, không lây cho các loại động vật khác. Đặc biệt, bệnh dịch tả heo châu Phi không lây nhiễm qua người. Hiện nay, tỉnh ta chưa xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi nên người dân tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc từ heo hoàn toàn có thể  yên tâm”-ông Thanh cho biết thêm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm